Sữa quả thật là một “kho báu” khi nó chứa rất nhiều thành phần củng cố hệ thống miễn dịch. Trong bài viết tiếp theo của series “Các đặc tính hỗ trợ miễn dịch của sữa”, một góc nhìn tổng quan về hoạt động điều hòa miễn dịch của một số thành phần trong sữa sẽ được gửi tới độc giả bởi Tiến sĩ David Clark.Hiện những phát hiện được công bố gần đây về hiệu quả của các thành phần trong sữa để chống lại vi rút SARS-Cov-2, nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19, đang nhận được sự chú ý lớn trong cộng đồng khoa học. Trong bài viết thứ 3 của chuỗi series này, tập hợp các thành phần trong sữa góp phần vào hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ được làm sáng tỏ.
Trong bài viết đầu tiên của loạt bài này, chúng tôi đã đề cập đến các thành phần miễn dịch trong sữa tựa như một ‘kho vũ khí miễn dịch’. Mở rộng ra thì các thành phần của hệ miễn dịch thích ứng này có thể được coi là những ‘vũ khí thông minh’. Gọi chúng là những “vũ khí thông minh” vì những kháng thể trong sữa này có vai trò “chỉ điểm” các tế bào nhiễm bệnh và sinh vật ngoại lai xâm nhập vào cơ thể, từ đó hỗ trợ ‘đội kỵ binh’ là các tế bào tiêu diệt tự nhiên NK và các tế bào lympho khác lưu thông trong hệ thống mạch máu và bạch huyết tìm kiếm và tiêu diệt “những kẻ xâm lăng” trên.
Việc phát triển và sản xuất những ‘vũ khí thông minh’ này cần có thời gian, vì vậy thiên nhiên đã cung cấp một giải pháp từ sữa thông qua việc đưa vào đó nhiều thành phần có trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Mặc dù các thành phần này không “đánh giáp lá cà” như các kháng thể, nhưng chúng có vai trò làm chậm quá trình lây nhiễm để kéo dài thời gian cho hệ miễn dịch thích ứng tham gia cuộc chiến. Trong bài viết này, hệ thống miễn dịch bẩm sinh của sữa gồm 5 thành phần miễn dịch sẽ được thảo luận chi tiết. Những thành phần miễn dịch này triển khai một loạt các cơ chế để làm chậm và gây nhầm lẫn cho kẻ xâm lược. Để thuận tiện, chúng tôi sẽ gọi 5 thành phần sữa này là theo tên viết tắt: BMO (Bovine Milk Oligosaccharides – Oligosaccharides từ sữa bò), GAG (Glycosaminoglycans), GMP (Glycomacroprotein), LYS (Lysozyme) và A-LA (α-lactalbumin). Xin hãy lưu ý rằng danh sách này mới chỉ bao gồm khoảng một nửa các thành phần trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh của sữa!
Quay trở lại với phép ẩn dụ về “kho vũ khí”, BMO, GAG và GMP gây nhầm lẫn cho những kẻ xâm lược bằng cách đóng vai trò là thụ thể mồi nhử, đánh lừa các tác nhân lây nhiễm bằng cách tạo ra các vị trí liên kết ‘giả’ giống với các vị trí liên kết trên bề mặt tế bào, từ đó làm ‘vô hiệu hóa’ khả năng lây nhiễm của chúng. Oligosacarit với vai trò nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi giúp hoàn thiện hàng phòng ngự này. Những vi khuẩn thân thiện này có thể được coi là ‘lính đánh thuê’, chúng được nhân lên một số lượng lớn để ngăn chặn sự xâm chiếm của những vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột, lấn át những vi sinh vật gây bệnh này. Sau đó, chúng ta có lysozyme (LYS) có khả năng phá vỡ thành tế bào ‘được bọc thép’ của vi khuẩn gây bệnh gram dương bằng hoạt động của enzyme phân giải, khiến các tế bào vi khuẩn ‘kẻ thù’ này phải phát nổ theo đúng nghĩa đen. Cuối cùng, khi mà quá trình chiến đấu của các thành phần của hệ miễn dịch vô tình để lại một số “vũ khí hóa học chết người” là các gốc oxy hóa (ROS) thì việc “kiểm soát thiệt hại” lúc này là vô cùng quan trọng. Khi đó, A-LA xuất hiện để thực hiện nhiệm vụ hạn chế thiệt hại bằng cách cung cấp một nguồn cysteine cần thiết để sản xuất glutathione (GSH). GSH là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp ngăn chặn ‘đám cháy’ là tình trạng viêm lan rộng do ROS tạo ra bởi các thành phần khác của hệ thống miễn dịch trong quá trình tiêu diệt các tế bào xâm nhập hoặc bị nhiễm bệnh. Giới thiệu sơ bộ là như vậy, giờ chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về 5 thành viên của biệt đội miễn dịch từ sữa nhé!
Ở một số loài, các yếu tố của hệ thống miễn dịch bẩm sinh dường như quan trọng hơn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển sơ sinh so với hệ thống miễn dịch thích nghi. Ví dụ, thú có túi sẽ chỉ sinh ra một con non sơ sinh rất kém phát triển, có thể nói là gần tương đương với thai nhi 8 tuần tuổi của loài người! Sau khi sinh, nhờ sự hỗ trợ bởi khứu giác, con non sơ sinh có túi có khả năng tự định hướng đến tuyến vú trong túi của mẹ và núm vú. Và việc nghiên cứu, kiểm tra thành phần của sữa dành cho thú có túi giai đoạn đầu đời này đã cung cấp một số gợi ý rằng thành phần nào quan trọng nhất đối với sự sống còn của những con non sơ sinh dễ bị tổn thương nhất này.
Kết quả là sữa non ở nhiều loài thú có túi, giống như sữa của con người, lại rất giàu oligosacarit (Messer & Green, 1979; Newburg et al., 1999). Điều này gợi ý rằng ở những sinh vật sơ sinh nguyên thủy nhất, oligosacarit có thể tạo ra ‘tuyến phòng thủ đầu tiên’ chống lại nhiễm trùng trong suốt khoảng thời gian phát triển của chúng. Ngược lại, sữa cung cấp cho con non sơ sinh ở động vật có vú, loài động vật có khả năng miễn dịch phát triển hơn, lại chỉ bị chi phối tạm thời bởi oligosacarit. Ví dụ, trong khi sữa non của bò là một nguồn oligosacarit phong phú, thì hàm lượng này giảm nhanh chóng trong sữa ở giai đoạn chuyển tiếp và thấp hơn nhiều trong sữa bò thông thường khi so sánh với sữa của con người.
Có rất nhiều loại oligosacarit khác nhau trong sữa mẹ và sữa bò, nhiều loại có cấu trúc phân nhánh phức tạp như được minh họa trong Hình 1. Cấu trúc phân nhánh phức tạp của BMO và HMO (oligosaccharid sữa mẹ) tương phản rõ rệt với cấu trúc tuyến tính đơn giản của GOS (galacto-oligosacarit). GOS bao gồm một đơn vị đường glucose kết hợp với một chuỗi các phân tử galactose và có thể được tổng hợp từ lactose ở quy mô công nghiệp bằng cách xử lý enzym. Điều đáng nói là GOS gần giống với HMO và BMO hơn, vì nó bao gồm các phân tử đường xuất hiện tự nhiên trong các oligosacarit sữa này, điều này không xảy ra với các oligosacarit có nguồn gốc từ thực vật như fructo-oligosacarit (FOS) và inulin (Hình 1).
Hình 1: Sơ đồ so sánh cấu trúc tuyến tính của GOS và FOS với các dạng cấu trúc HMO và BMO đã biết. HMO và BMO bao gồm các loại carbohydrate bổ sung và cấu trúc phân nhánh (Barile và Restall, 2013).
Vậy oligosacarit hỗ trợ hệ thống miễn dịch như thế nào? Oligosacarit là những prebiotic bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của mầm bệnh bằng ít nhất hai cơ chế riêng biệt. Một cơ chế được gọi là loại trừ cạnh tranh. Các oligosacarit có cấu trúc chỉ có thể bị phá vỡ và sử dụng làm chất dinh dưỡng bởi một số nhóm vi khuẩn ‘probiotic’ có lợi – tức là những vi khuẩn được trang bị các enzym cần thiết để sử dụng loại thức ăn này. Điều này giải thích sự hiện diện của mức độ phức tạp cao được tìm thấy trong cấu trúc của BMO và HMO. Nó cho phép các prebiotic này hoạt động giống như môi trường nuôi cấy chọn lọc được sử dụng trong phòng thí nghiệm vi sinh. Môi trường chọn lọc như vậy được các nhà vi trùng học chọn để kích thích sự phát triển của mầm bệnh đích, ví dụ như các nhà khoa học sử dụng phương pháp nuôi cấy Salmonella trong mẫu thực phẩm cho đến khi có thể phát hiện được nếu chúng thực sự có mặt ở trong mẫu thực phẩm. Trong trường hợp của oligosacarit sữa, các biến thể riêng lẻ này đã cùng tiến hóa với vật chủ để kích thích có chọn lọc sự phát triển của vi khuẩn sinh học có lợi đến mức đủ khả năng tiêu diệt các mầm bệnh, và đó được gọi là sự loại trừ cạnh tranh.
Cơ chế hỗ trợ miễn dịch thứ hai được thể hiện bởi những oligosacarit có liên quan đến việc đưa ra những cấu trúc carbohydrate tương đồng với cấu trúc của vật chủ – trong trường hợp này là con người hay bề mặt tế bào niêm mạc (ví dụ như ở ruột hoặc đường hô hấp) – để mầm bệnh liên kết vào. Thông thường, các mầm bệnh sẽ tìm kiếm những bề mặt tế bào niêm mạc như những mỏ neo để từ đó xâm nhập và lây nhiễm cho tế bào. Nếu mầm bệnh liên kết nhầm với oligosacarit, nó sẽ không thể thả neo vào tế bào niêm mạc được và sẽ bị đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa. Trong cơ chế này, oligosacarit hoạt động như một ‘thụ thể mồi nhử’. Tóm lại, những prebiotic có cấu trúc oligosacarit này đã gián tiếp bảo vệ vật chủ bằng cách ngăn chặn sự bám dính của mầm bệnh và kích thích sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi.
Sự phức tạp và đa dạng cấu trúc BMO cũng như nồng độ thấp của chúng trong sữa bò thông thường khiến chúng khó cô đặc và phân lập. Để bù đắp cho sự kém dồi dào này so với sữa mẹ, hàm lượng oligosacarit trong sữa bò (BMO) có thể được tăng cường bằng cách xử lý đường sữa bằng enzym để tạo ra galacto-oligosacarit (GOS). Hợp chất này có thể được ứng dụng hiệu quả trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Trong thời gian gần đây, một số nhà sản xuất sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh đã chuyển sang bổ sung các HMO riêng lẻ được sản xuất bởi các sinh vật biến đổi gen vào sản phẩm của chúng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có những hạn chế do vấn đề chi phí và cho đến nay, chỉ có một số ít trong số hơn 200 HMO đã biết là có sẵn trên thị trường. Do đó, việc bổ sung GOS vẫn được sử dụng rộng rãi trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh và bắt đầu xuất hiện trong các phân khúc sản phẩm khác.
Mặc dù oligosacarit được chứng minh là có lợi cho trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương với hệ thống miễn dịch kém phát triển, nhưng liệu những prebiotic này có thể đóng góp gì cho hệ thống miễn dịch của người lớn, đặc biệt là đối với COVID-19? Hiện đã có bằng chứng chắc chắn rằng GOS hỗ trợ sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt là các loài Bifidobacteria (Chen và Vitetta, 2021) và trên thị trường cũng có một số thực phẩm bổ sung cũng có chứa GOS (Hình 2). Việc thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa sự phát triển của hệ vi sinh vật được kích thích bởi GOS và việc hệ miễn dịch được hỗ trợ đã được chứng minh là hơi khó công nhận trong các nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện cho đến nay (Wilms và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, đã có một số quan sát đáng khích lệ với vắc-xin chống vi-rút. Ví dụ, có báo cáo rằng việc bổ sung kết hợp GOS và probiotic Bifidobacteria đã làm tăng đáng kể số lượng Bifido và giúp duy trì hàm lượng kháng thể lâu hơn ở những đối tượng được chủng ngừa bằng vắc-xin cúm A/H1N1 (Nagafuchi et al., 2015; Akatsu et al. , 2016). Những nghiên cứu này đã được đưa vào phân tích tổng hợp của Lei và cộng sự, (2017). Họ báo cáo rằng men vi sinh và prebiotic, bao gồm GOS hoặc FOS giúp tăng cường hiệu quả của việc tiêm phòng cúm ở người lớn. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm bằng chứng để xác định xem liệu việc bổ sung GOS hoặc oligosacarit có nguồn gốc từ sữa liệu có tác dụng có lợi tương tự đối với nhiễm trùng COVID-19 và hiệu quả tiêm chủng hay không.
Glycomacropeptide (GMP) cũng thể hiện chức năng của prebiotic thông qua việc kích thích Bifidobacteria spp (Auestad & Layman, 2021; Córdova-Dávalos, 2019). GMP là một phần của phân tử κ-casein được giải phóng vào whey từ micelle casein trong quá trình hình thành, sản xuất phomat nhờ enzyme. Trong trường hợp này, chức năng prebiotic của nó bắt nguồn từ axit N-acetylneuraminic (NANA), một phần của nhóm axit sialic được gắn vào các axit amin cụ thể trong chuỗi peptide GMP. Vi-rút cúm liên kết với NANA, cản trở khả năng xâm nhập và lây nhiễm tế bào của chúng. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy NANA liên kết với protein gai tăng đột biến của virus SARS-CoV-2. Sự kiện bám dính đầu tiên này tạo điều kiện thuận lợi cho các bước sau này trong quá trình nhân lên và lây lan vi-rút của COVID-19. NANA cũng đã cho thấy tiềm năng như một chất cảm biến vi-rút SARS-CoV-2 trong thử nghiệm dòng chảy ngang (Baker và cộng sự, 2020). Tuy nhiên, vẫn cần có những nghiên cứu thêm để xác định liệu NANA liên kết với GMP liệu có thể hỗ trợ phòng chống lây nhiễm COVID-19 hay không.
Glycosaminoglycans (GAG) là thành viên thiểu số trong nhóm các thành phần hỗ trợ miễn dịch của sữa và cũng là một trong những thành phần ít được nghiên cứu nhất. Phần lớn (>90%) GAG trong sữa bò bao gồm chondroitin sulfat (CS), dermatan sulfat và heparin di chuyển nhanh (FM-Hep) (Coppa et al., 2011). CS và FM-Hep chiếm ưu thế trong sữa mẹ. Hoạt tính kháng vi-rút của các hợp chất này đã được chứng minh trong nghiên cứu về HIV từ giữa những năm 90 (Newburg et al., 1995), trong đó người ta phát hiện ra rằng nhiều dạng GAGs đã ức chế sự gắn kết của glycoprotein vỏ HIV với thụ thể tế bào chủ, CD4, đó chính là bước quan trọng đầu tiên để lây nhiễm HIV. Người ta còn xác định thêm rằng hoạt động này của GAG không bị ảnh hưởng bởi quá trình tiêu hóa bằng các enzym ly giải, đặc biệt đối với heparin, heparan sulphate và dermatan sulphate. Tiềm năng để trở thành một tác nhân chống vi-rút để điều trị COVID-19 của GAG từ sữa bò vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các GAG có hàm lượng sunfat cao, được tạo ra bởi quá trình sunfat hóa hóa học đã được nghiên cứu như là các loại thuốc điều trị khả thi trong các nghiên cứu tế bào in vitro. Các tác giả đã khẳng định khả năng chống lại CoV bò của hợp chất này, cũng như các biến thể alpha và beta của vi rút SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra đại dịch hiện nay. Nồng độ thấp của các thành phần này trong sữa mẹ và sữa bò có nghĩa là cuối cùng, chúng sẽ không phải là nguồn lựa chọn tối ưu (Möller et al., 2022).
Trước khi thảo luận về cách thức α-lactalbumin (A-LA) cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho hệ thống miễn dịch, chúng ta cũng cần lưu ý rằng A-LA cũng gián tiếp đóng góp chức năng của prebiotic. A-LA được tổng hợp trong các tế bào biểu mô của tuyến vú, nơi nó được glycosyl hóa (ví dụ như những phân tử đường được gắn kết về mặt hóa học). Có vẻ như quá trình glycosyl hóa này không những là một bước quan trọng để đảm bảo sự gấp nếp chính xác của protein mà còn cho phép A-LA được vận chuyển qua màng tế bào vào phế nang của tuyến vú (Layman và cộng sự, 2018). Trong khi diễn ra hoặc ngay sau quá trình này, quá trình khử glycosyl xảy ra, giải phóng axit sialic vào sữa, nơi nó cũng có thể tiếp tục hoạt động như một thụ thể prebiotic và/hoặc mồi nhử theo cách tương tự như GMP.
Quay trở lại vấn đề dinh dưỡng, sữa mang trong mình một lượng dinh dưỡng khổng lồ trong một thể tích nhỏ, đặc biệt là trường hợp của một loại whey protein, đó là α-lactalbumin (A-LA). Loại protein này chứa hàm lượng axit amin thiết yếu bao gồm tryptophan và axit amin chứa lưu huỳnh (SAA), hàm lượng cao hơn nhiều so với các loại protein từ thực phẩm khác như trong thịt bò, gluten lúa mì, đậu nành và các nguồn khác (Layman et al, 2018).
SAAs là axit amin thiết yếu (có điều kiện) – methionine là một axit amin thiết yếu và cysteine có thể trở nên thiết yếu trong những tình huống stress nhất định, chẳng hạn như khi bị bệnh. Cysteine là yếu tố hạn chế tổng hợp glutathione (GSH) trong cơ thể. Đã có một số nghiên cứu cho thấy whey protein, có chứa α-lactalbumin giúp tăng cường tổng hợp GSH (Micke và cộng sự, 2001). GSH là chất chống oxy hóa có nhiều nhất trong cơ thể và nó không thể được hấp thụ trực tiếp từ chế độ ăn uống mà phải được tổng hợp. GSH có vai trò thúc đẩy lượng tế bào ‘đằng sau hậu trường’ liên quan đến hệ thống miễn dịch thích ứng, cụ thể là tế bào T và tế bào tự diệt tự nhiên. GSH từ lâu đã được cho là có liên quan đến việc ức chế phản ứng viêm liên quan đến các gốc oxy hóa (ROS), bao gồm cả những gốc oxy hóa được tạo ra để tiêu diệt các tác nhân lây nhiễm bởi hệ thống miễn dịch. GSH đã được quan sát thấy có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus và giảm lượng interleukin-6 (IL-6) trong các trường hợp nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Dựa trên phát hiện này, việc đảm bảo duy trì mức GSH trong cơ thể cũng có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân COVID-19 (Guloyan và cộng sự, 2020). Mức IL-6 tăng đột biến (‘cơn bão cytokine) là một triệu chứng đáng lo ngại được quan sát thấy trong các ca COVID-19 nghiêm trọng. Thông thường, nó có liên quan đến sự khởi phát của hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), tình trạng thường xuyên cần hỗ trợ hô hấp bằng máy thở (Notz và cộng sự, 2020). Do đó, α-lactalbumin có thể là một nguồn SAAs hấp dẫn, an toàn mà cơ thể có thể sử dụng để tổng hợp GSH vào những thời điểm cấp thiết, như những trường hợp mắc COVID-19.
Lysozyme (LYS) là một loại protein nhỏ gọn khác có trong sữa và nhiều chất lỏng sinh học khác. LYS có liên quan mật thiết với A-LA. Mặc dù 2 protein này chỉ tương đồng 40% về trình tự axit amin, nhưng chúng có kích thước tương tự nhau, cả hai đều liên kết với canxi và chúng có cấu trúc không gian rất giống nhau. Thật vậy, có vẻ như A-LA đã tiến hóa từ một bản sao của gen LYS loại C vào khoảng 300-400.000 năm trước.
Mặc dù có những điểm tương đồng trên, nhưng những protein này khác nhau đáng kể về chức năng và đảm nhận các vai trò khá khác biệt như các enzym. A-LA liên kết với galactosyl transferase tạo thành phức hợp tổng hợp đường sữa, chịu trách nhiệm sản xuất đường sữa trong sữa. Ngược lại, LYS tự nó là một enzym, thể hiện hoạt tính diệt khuẩn bằng cách thủy phân thành tế bào của vi khuẩn gram dương và có thể chèn vào và hình thành các lỗ trong màng vi khuẩn tích điện âm (Ragland & Criss, 2017). Kết quả là, mức chất lỏng và áp suất tăng lên bên trong tế bào vi khuẩn cho đến khi những vi khuẩn này bùng nổ theo đúng nghĩa đen. Do đó, mặc dù nồng độ tương đối thấp trong sữa, LYS là một chất đóng góp mạnh mẽ cho hệ thống phòng thủ kháng khuẩn.
LYS cũng thể hiện hoạt động chống vi-rút bao gồm ức chế sự xâm nhập của vi-rút bằng cách liên kết với các thụ thể tế bào hoặc chính vi-rút. Ở đây, đặc tính là một cation và kỵ nước của LYS còn được khai thác mạnh hơn là hoạt động enzym của nó. Sự ức chế hợp nhất tế bào do virus gây ra và các tác động riêng biệt đối với tín hiệu tế bào làm giảm tính nhạy cảm với nhiễm trùng. Có ý kiến cho rằng LYS có thể là một ứng cử viên cho liệu pháp điều trị COVID-19 nhưng cho đến nay điều này vẫn mang tính suy đoán cao (Mann & Ndung’u, 2020). Có một báo cáo từ khu vực Đông Âu về việc sử dụng thành công LYS trong điều trị kết hợp bệnh cúm và viêm phổi ở trẻ em (Luniakin & Bogomaz, 1977). Tuy nhiên, trong hầu hết các nghiên cứu, lòng trắng trứng gà mái là nguồn LYS được ưu tiên do nồng độ cao hơn so với sữa.
Sữa được tiến hóa không chỉ để cung cấp dinh dưỡng tập trung cho những cá thể sơ sinh mà còn mang lại sự bảo vệ cụ thể và rộng rãi để chống lại nhiễm trùng. Các thành phần đóng góp cho cả hệ thống miễn dịch thích ứng và bẩm sinh đều được tìm thấy trong sữa và có tác dụng đối với cả trẻ sơ sinh và người lớn. Việc tiêu thụ sữa hoặc các sản phẩm có chứa các thành phần từ sữa có thể bảo vệ ‘ranh giới’ dễ bị tổn thương nhất giữa con người và thế giới bên ngoài – cụ thể là cửa ngõ vào đường hô hấp và đường ruột – với một loạt các thành phần điều hòa miễn dịch. Không có thực phẩm nào khác có sẵn trong thực đơn của con người được tiến hóa đặc biệt để cung cấp lá chắn bảo vệ này! Không phải đến khi nhiễm trùng thì chúng ta mới quan tâm tới một hệ miễn dịch hoạt động với đầy đủ chức năng và được nuôi dưỡng phù hợp, nó cần được hoạt động 24/7 để duy trì sức khỏe bằng cách giảm nguy cơ nhiễm trùng và chống lại những đợt nhiễm trùng khi chúng xảy ra!
Tài liệu tham khảo1. Akatsu H et al. Enhanced vaccination effect against influenza by prebiotics in elderly patients receiving enteral nutrition. Geriatrics and Gerontology, 2016, 16, 205-213. doi.org/10.1111/ggi.12454. 2. Auestad N & Layman DK. Dairy bioactive proteins and peptides: a narrative review. Nutrition Reviews VR 2021, 79(S2):36–47. https://doi.org/10.1093/nutrit/nuab097. 3. Baker AN et al. The SARS-COV‑2 Spike Protein Binds Sialic Acids and Enables Rapid Detection in a Lateral Flow Point of Care Diagnostic Device. ACS Cent. Sci. 2020, 6, 11, 2046–2052. https://doi.org/10.1021/acscentsci.0c00855 4. Barile D and Restall RA. Human milk and related oligosaccharides as prebiotics. Curr. Opin. Biotechnol., 2013, 24, 214-219. 5. Coppa GV, Gabrielli O, Bertino E, Zampini L, Galeazzi T, Padella L, Santoro L, Marchesiello RL, Galeotti F, Maccari F and Volpi N. Human milk glycosaminoglycans: the state of the art and future perspectives. Italian Journal of Pediatrics 2013, 39:2. http://www.ijponline.net/content/39/1/2 6. Córdova-Dávalos LE, Jiménez M and Salinas E. Glycomacropeptide Bioactivity and Health: A Review Highlighting Action Mechanisms and Signaling Pathways. Nutrients 2019, 11, 598; doi:10.3390/nu11030598. 7. Chen J and Vitetta L. Modulation of Gut Microbiota for the Prevention and Treatment of COVID-19. J. Clin. Med. 2021, 10, doi.org/10.3390/jcm10132903. 8. Guloyan V, Oganesian B, Baghdasaryan N, Yeh C, Singh M, Guilford F, Ting Y-S and Venketaraman V. Glutathione Supplementation as an Adjunctive Therapy in COVID-19. Antioxidants, 2020, 9, 914; doi:10.3390/antiox9100914. 9. Layman DK, Lönnerdal B and Fernstrom JD. Applications for a-lactalbumin in human nutrition. Nutrition Reviews, 2018, 76, 444–460. 10. Lei W-T, Shih P-C, Liu S-J, Lin C-Y and Yeh T-L. Effect of Probiotics and Prebiotics on Immune Response to Influenza Vaccination in Adults: A Systematic Review and Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials. Nutrients 2017, 9, 1175; doi:10.3390/nu9111175. 11. Luniakin AA and Bogomaz TA. Lysozyme in the overall treatment of children with an influenza infection and pneumonia. Pediatr. Akus. Ginekol. 1977, 1, 11–13. 12. Mann JK & Ndung’u T. (2020). The potential of lactoferrin, ovotransferrin and lysozyme as antiviral and immune-modulating agents in COVID-19. Future Virol. 2020, 15(9), 609–624. 13. Messer M., & Green B. ‘Milk Carbohydrates of Marsupials. II. Quantitative and Qualitative Changes in MiIk Carbohydrates during Lactation in the Tammar Wallaby (Macropus eugenii). Aust. J. Bioi. Sci., 1979, 32, 519 – 531. 14. Micke P., Beeh KM, Schlaak JF and Buhl R. Oral supplementation with whey proteins increases plasma glutathione levels of HIV-infected patients. Eur. J. Clin. Investig. 2001, 31, 171-178. doi.org/10.1046/j.1365-2362.2001.00781.x 15. Möller S, Theiß J, Deinert TIL, Golat K, Heinze J, Niemeyer D, Wyrwa R, Schnabelrauch M and Bogner E. High-Sulfated Glycosaminoglycans Prevent Coronavirus Replication. Viruses 2022, 14, 413. https://doi.org/10.3390/v14020413. 16. Nagafuchi et al., 2015. Effects of a Formula Containing Two Types of Prebiotics, Bifidogenic Growth Stimulator and Galacto-oligosaccharide, and Fermented Milk Products on Intestinal Microbiota and Antibody Response to Influenza Vaccine in Elderly Patients: A Randomized Controlled Trial. Pharmaceuticals 2015, 8, 351-365; doi:10.3390/ph8020351. 17. Newburg DS, Linhardt RJ, Ampofo SA, Yolken RH. Human milk glycosaminoglycans inhibit HIV glycoprotein gp120 binding to its host cell CD4 receptor. J. Nutr. 1995, 125, 419-424. 18. Newburg DS, Warren CD, Chaturvedi P, Newburg A, Oftedal OT, Ye S & Tilden CD, Milk oligosaccharides across species. Pediatr. Res. 1999, 45, 745. 19. Notz et al. Pro- and Anti-Inflammatory Responses in Severe COVID-19 – Induced Acute Respiratory Distress Syndrome—An Observational Pilot Study. Frontiers in Immunology, Front. Immunol. 11:581338. doi: 10.3389/fimmu.2020.581338. 20. Ragland SA, Criss AK. From bacterial killing to immune modulation: recent insights into the functions of lysozyme. PLoS Pathog. 13(9), e1006512 (2017). 21. Wilms E, An R, Smolinska A, Stevens Y, Weseler AR, Elizalde M, Drittij M-J, Ioannou A, van Schooten FJ, Smidt H, Masclee AAM, Zoetendal EG, Jonkers DMAE. Galacto-oligosaccharides supplementation in pre-frail older and healthy adults increased faecal bifidobacteria, but did not impact immune function and oxidative stress. Clin. Nutr. 40, 3019-3031. |
Tiến sĩ David Clark