Suy dinh dưỡng (SDD) kéo dài ở trẻ nhỏ sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc đối với sức khỏe của trẻ và khiến các con khó theo kịp được đà tăng trưởng về cả thể chất lẫn trí tuệ. Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần có những biện pháp theo dõi sự phát triển của trẻ và cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý để phòng ngừa SDD hiệu quả.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, suy dinh dưỡng là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng gây ra bởi sự thiếu hụt trầm trọng năng lượng, đạm và vi chất cung cấp cho cơ thể. Theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 do Bộ Y Tế công bố, mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc chỉ còn 19,6% (thuộc mức trung bình theo phân loại của WHO) và đang trên đà đạt được Mục tiêu Dinh dưỡng Toàn cầu, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi vẫn còn ở mức rất cao theo phân loại của WHO là 38%. Trên toàn quốc, vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%, thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
SDD mạn tính hoặc tái phát sẽ khiến trẻ phát triển kém với biểu hiện rõ nhất là 3 hình thái thấp còi, nhẹ cân và gầy còm, từ đó dẫn đến tầm vóc thấp khi trưởng thành và một loạt vấn đề bệnh lý khác. Trong đó, một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc SDD là sự chăm sóc không phù hợp trong giai đoạn đầu đời.
Để phòng ngừa SDD ở trẻ, có hai điều người chăm sóc trẻ cần lưu ý, đó là theo dõi tình trạng phát triển chiều cao – cân nặng hàng tháng và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Thông qua một nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên nhiều nước trên thế giới, UNICEF kết luận rằng trẻ em sinh ra ở bất cứ đâu trên thế giới đều có khả năng phát triển ở cùng một phạm vi chiều cao và cân nặng khi được nuôi dưỡng trong một môi trường thúc đẩy sự phát triển lành mạnh. Vì vậy chiều cao/chiều dài và cân nặng của trẻ theo độ tuổi là các chỉ số quan trọng để theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, được WHO công nhận trên toàn thế giới và được áp dụng cho cả trẻ em Việt Nam.
Dưới đây là tham chiếu chiều cao cân nặng cho trẻ từ 0 – 5 tuổi theo chuẩn của WHO, được tổng hợp bởi Viện Dinh Dưỡng Nutricare Hoa Kỳ:
Bảng chiều cao – cân nặng của bé gái theo độ tuổi dựa trên chuẩn WHO (Tổng hợp bởi Viện Dinh Dưỡng Nutricare Hoa Kỳ) |
|||||||
Độ tuổi | Cân nặng (kg) | Chiều cao (cm) | |||||
-2 SD | Trung vị | 2 SD | -2 SD | Trung vị | +2 SD | ||
0 | tháng | 2.4 | 3.2 | 4.2 | 45.4 | 49.1 | 52.9 |
1 | tháng | 3.2 | 4.2 | 5.5 | 49.8 | 53.7 | 57.6 |
2 | tháng | 3.9 | 5.1 | 6.6 | 53.0 | 57.1 | 61.1 |
3 | tháng | 4.5 | 5.8 | 7.5 | 55.6 | 59.8 | 64.0 |
4 | tháng | 5.0 | 6.4 | 8.2 | 57.8 | 62.1 | 66.4 |
5 | tháng | 5.4 | 6.9 | 8.8 | 59.6 | 64.0 | 68.5 |
6 | tháng | 5.7 | 7.3 | 9.3 | 61.2 | 65.7 | 70.3 |
7 | tháng | 6.0 | 7.6 | 9.8 | 62.7 | 67.3 | 71.9 |
8 | tháng | 6.3 | 7.9 | 10.2 | 64.0 | 68.7 | 73.5 |
9 | tháng | 6.5 | 8.2 | 10.5 | 65.3 | 70.1 | 75.0 |
10 | tháng | 6.7 | 8.5 | 10.9 | 66.5 | 71.5 | 76.4 |
11 | tháng | 6.9 | 8.7 | 11.2 | 67.7 | 72.8 | 77.8 |
12 | tháng | 7.0 | 8.9 | 11.5 | 68.9 | 74.0 | 79.2 |
14 | tháng | 7.4 | 9.4 | 12.1 | 71.0 | 76.4 | 81.7 |
16 | tháng | 7.7 | 9.8 | 12.6 | 73.0 | 78.6 | 84.2 |
18 | tháng | 8.1 | 10.2 | 13.2 | 74.9 | 80.7 | 86.5 |
20 | tháng | 8.4 | 10.6 | 13.7 | 76.7 | 82.7 | 88.7 |
22 | tháng | 8.7 | 11.1 | 14.3 | 78.4 | 84.6 | 90.8 |
2 | tuổi | 9.0 | 11.5 | 14.8 | 80.0 | 86.4 | 92.9 |
2.5 | tuổi | 10 | 12.7 | 16.5 | 83.6 | 90.7 | 97.7 |
3 | tuổi | 10.8 | 13.9 | 18.1 | 87.4 | 95.1 | 102.7 |
3.5 | tuổi | 11.6 | 15.0 | 19.8 | 90.9 | 99.0 | 107.2 |
4 | tuổi | 12.3 | 16.1 | 21.5 | 94.1 | 102.7 | 111.3 |
4.5 | tuổi | 13.0 | 17.2 | 23.2 | 97.1 | 106.2 | 115.2 |
5 | tuổi | 13.7 | 18.2 | 24.9 | 99.9 | 109.4 | 118.9 |
Bảng chiều cao – cân nặng của bé trai theo độ tuổi dựa trên chuẩn WHO (Tổng hợp bởi Viện Dinh Dưỡng Nutricare Hoa Kỳ) |
|||||||
Độ tuổi | Cân nặng (kg) | Chiều cao (cm) | |||||
-2 SD | Trung vị | 2 SD | -2 SD | Trung vị | +2 SD | ||
0 | tháng | 2.5 | 3.3 | 4.4 | 46.1 | 49.9 | 53.7 |
1 | tháng | 3.4 | 4.5 | 5.8 | 50.8 | 54.7 | 58.6 |
2 | tháng | 4.3 | 5.6 | 7.1 | 54.4 | 58.4 | 62.4 |
3 | tháng | 5.0 | 6.4 | 8.0 | 57.3 | 61.4 | 65.5 |
4 | tháng | 5.6 | 7.0 | 8.7 | 59.7 | 63.9 | 68.0 |
5 | tháng | 6.0 | 7.5 | 9.3 | 61.7 | 65.9 | 70.1 |
6 | tháng | 6.4 | 7.9 | 9.8 | 63.3 | 67.6 | 71.9 |
7 | tháng | 6.7 | 8.3 | 10.3 | 64.8 | 69.2 | 73.5 |
8 | tháng | 6.9 | 8.6 | 10.7 | 66.2 | 70.6 | 75.0 |
9 | tháng | 7.1 | 8.9 | 11.0 | 67.5 | 72.0 | 76.5 |
10 | tháng | 7.4 | 9.2 | 11.4 | 68.7 | 73.3 | 77.9 |
11 | tháng | 7.6 | 9.4 | 11.7 | 69.9 | 74.5 | 79.2 |
12 | tháng | 7.7 | 9.6 | 12.0 | 71.0 | 75.7 | 80.5 |
14 | tháng | 8.1 | 10.1 | 12.6 | 73.1 | 78.0 | 83.0 |
16 | tháng | 8.4 | 10.5 | 13.1 | 75.0 | 80.2 | 85.4 |
18 | tháng | 8.8 | 10.9 | 13.7 | 76.9 | 82.3 | 87.7 |
20 | tháng | 9.1 | 11.3 | 14.2 | 78.6 | 84.2 | 89.8 |
22 | tháng | 9.4 | 11.8 | 14.7 | 80.2 | 86.0 | 91.9 |
2 | tuổi | 9.7 | 12.2 | 15.3 | 81.7 | 87.8 | 93.9 |
2.5 | tuổi | 10.5 | 13.3 | 16.9 | 85.1 | 91.9 | 98.7 |
3 | tuổi | 11.3 | 14.3 | 18.3 | 88.7 | 96.1 | 103.5 |
3.5 | tuổi | 12.0 | 15.3 | 19.7 | 91.9 | 99.9 | 107.8 |
4 | tuổi | 12.7 | 16.3 | 21.2 | 94.9 | 103.3 | 111.7 |
4.5 | tuổi | 13.4 | 17.3 | 22.7 | 97.8 | 106.7 | 115.5 |
5 | tuổi | 14.1 | 18.3 | 24.2 | 100.7 | 110.0 | 119.2 |
Trong đó, +2 SD có ý nghĩa bé có thể bị béo phì (nếu xét theo cân nặng) hoặc rất cao (nếu xét theo chiều cao); -2 SD có ý nghĩa bé đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu cân và thấp còi.
Suy dinh dưỡng ở trẻ được chia làm 3 loại: Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể gầy còm. Để đánh giá một trẻ suy dinh dưỡng một cách toàn diện, cần theo dõi các chỉ số cân nặng theo tuổi, cân nặng theo chiều cao, chiều cao theo tuổi. Việc theo dõi hàng tháng các chỉ số chiều cao cân nặng của trẻ theo chuẩn của WHO, người chăm sóc trẻ sẽ sớm phát hiện được những tình trạng sau ở trẻ:
Thấp còi: chiều cao theo tuổi < -2 SD trung vị chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO – Chiều cao của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị chiều cao theo tuổi của trẻ nằm dưới mức -2SD.) Đây là thể SDD mạn tính, biểu hiện thấp còi trên lâm sàng là hậu quả của một quá trình SDD kéo dài trong những năm đầu đời, có khi bắt đầu sớm từ tình trạng SDD ngay khi còn trong bụng mẹ. Do đó, tình trạng này có thể được hiểu là một dấu hiệu cho thấy điều kiện môi trường phát triển kém, hạn chế lâu dài tiềm năng phát triển của trẻ.
Gầy còm suy mòn: cân nặng theo chiều cao < -2 SD trung vị chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO – Cân nặng theo chiều cao của trẻ thấp hơn mức chuẩn của những trẻ cùng độ tuổi và cùng giới tính, tức là nằm dưới mức -2SD. Lúc này, cơ và mỡ bị teo đi nhiều. Đây là thể SDD cấp tính, xảy ra trong thời gian ngắn, thường là hậu quả của việc ăn uống không đủ chất hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tiêu chảy. Gầy còm làm suy yếu hoạt động của hệ thống miễn dịch, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, tiêu chảy… và tăng nguy cơ tử vong.
Nhẹ cân: cân nặng theo tuổi <-2 độ lệch chuẩn (SD) của Trung vị chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO – Khi cân nặng của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị cân nặng theo tuổi của trẻ nằm dưới mức -2SD. Phương pháp so sánh cân nặng theo tuổi là phương pháp dễ thực hiện, tuy nhiên đây cũng là phương pháp khó xác định chính xác tình trạng dinh dưỡng của trẻ nhất trong 3 phương pháp. Trẻ nhẹ cân có thể bị thấp còi, gầy còm hoặc mắc cả 2 tình trạng cùng lúc. Tuy nhiên, đây cũng là một chỉ số đáng lưu ý vì nguy cơ tử vong sẽ tăng lên ở những trẻ thiếu cân trầm trọng.
Sau khi xác định được tình trạng dinh dưỡng của trẻ, người chăm sóc cần có những biện pháp cải thiện chế độ chăm sóc nếu trẻ đang có tình trạng dinh dưỡng kém; hoặc duy trì chế độ chăm sóc hiện tại nếu trẻ đang có tình trạng dinh dưỡng tốt.
Vì cốt lõi của vấn đề SDD ở trẻ nằm ở sự thiếu hụt trầm trọng năng lượng và các chất dinh dưỡng nên việc đảm bảo một bữa ăn cân bằng hợp lý được coi là biện pháp phòng ngừa SDD quan trọng. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý là một chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của trẻ, với đủ các nhóm chất dinh dưỡng (Đạm, Bột đường, Béo, Vitamin và Khoáng chất).
Vậy làm thế nào để đạt được một chế độ dinh dưỡng hợp lý? Thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh Dưỡng (giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn đến năm 2030), Bộ Y Tế đã đưa ra 10 lời khuyên về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người Việt.
1. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng
Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Sữa mẹ cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng chứa nhiều kháng thể giúp trẻ phòng tránh các bệnh tiêu chảy, dị ứng, nhiễm khuẩn đường hô hấp…
Từ tháng thứ 7, sữa mẹ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày một tăng theo tốc độ phát triển của trẻ. Vì vậy, trẻ cần được ăn thêm các thực phẩm khác để bù đắp sự thiếu hụt này. Những thực phẩm được bổ sung cũng cần đảm bảo cân bằng dinh dưỡng với đầy đủ các nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
2. Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng
Một loại thực phẩm tự nhiên không thể cung cấp toàn bộ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, trẻ cần một chế độ ăn đa dạng với ít nhất 5 trên 8 nhóm thực phẩm sau để đảm bảo cung cấp 4 nhóm chất (Đạm, Đường, Béo, Vitamin và Khoáng chất):
Các thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể:
Nhóm 1: Lương thực (gạo, ngô, khoai, sắn)
Các thực phẩm cung cấp đạm:
Nhóm 2: Các loại hạt (đậu, đỗ, lạc, vừng..)
Nhóm 3: Sữa và các chế phẩm từ sữa
Nhóm 4: Thịt các loại (lợn, gà, bò…) và thủy sản (cá, tôm, cua, lươn…)
Nhóm 5: Trứng và các sản phẩm từ trứng
Các thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ:
Nhóm 6: Củ quả có màu vàng, cam, đỏ hoặc rau tươi có màu xanh thẫm
Nhóm 7: Rau củ quả khác như su hào, củ cải
Các thực phẩm cung cấp chất béo:
Nhóm 8: dầu ăn, mỡ các loại.
3. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ
Mặc dù nguồn đạm từ động vật như gà, bò, lợn chứa nhiều axit amin thiết yếu với giá trị sinh học cao, nhưng đi kèm với đó là lượng cholesterol cao, nếu tiêu thụ thừa sẽ không tốt cho cơ thể. Còn nguồn đạm từ thực vật thì thường có ít hoặc không có cholesterol, nhưng hàm lượng axit amin thiết yếu thường không cao và tỷ lệ không cân đối. Vì vậy, bù trừ những ưu và nhược điểm của hai nguồn đạm này, người chăm sóc cần cho trẻ ăn phối hợp hai nguồn đạm theo tỉ lệ là 1/3 – ½ đạm tổng số là đạm động vật.
4. Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc
Cơ thể con người cần được bổ sung cả axit béo no và axit béo không no, cholesterol LDL và HDL, với một tỉ lệ nhất định. Mỡ, bơ động vật có nhiều axit béo no, có nhiều Cholesterol LDL nhưng lại có cả vitamin A, D. Dầu vừng, dầu lạc, dầu đậu tương, dầu cá có nhiều axit béo không no như omega 3,6,9, DHA, EPA. Vì vậy, một khẩu phần ăn với 10% năng lượng bữa ăn do axit béo no và 10 – 15% năng lượng bữa ăn do axit béo không no sẽ tận dụng được lợi thế của cả hai nguồn chất béo.
5. Cần ăn rau quả hàng ngày
Rau quả cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Các vitamin và khoáng chất tuy nhỏ bé nhưng đóng vai trò quan trọng đối với các quá trình sinh lý trong cơ thể, giúp trẻ phòng ngừa SDD do thiếu hụt vi chất. Trong khi đó, chất xơ đóng vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ. Vì vậy trẻ nhỏ cần được ăn ít nhất 100 – 200g rau quả/ ngày.
6. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi
Sữa động vật có hàm lượng dinh dưỡng cao với đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh. Với những trẻ thiếu cân, sụt cân, cần bù đắp dinh dưỡng nhanh, những loại sữa cao năng lượng theo công thức F100 (100kcal/100ml), giàu đạm và vi chất có thể được sử dụng để trẻ phục hồi dinh dưỡng nhanh chóng, bắt kịp đà tăng trưởng, chấm dứt tình trạng SDD kéo dài.
Ngoài ra có một số lời khuyên khác người chăm sóc trẻ cũng cần lưu tâm như sau:
7. Nên sử dụng muối Iốt, không ăn mặn: Lượng muối <2,8 g/ngày đối với trẻ dưới 5 tuổi
8. Uống đủ nước sạch hàng ngày: Lưu ý: Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên cho uống nước
9. Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm
10. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế sử dụng nước có ga và ăn, uống đồ ngọt
Như vậy, để phòng ngừa SDD ở trẻ nhỏ, việc theo dõi các chỉ số chiều cao, cân nặng đồng thời áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý là vô cùng quan trọng để trẻ phát triển đạt chuẩn, có một cơ thể khỏe mạnh và tầm vóc cao lớn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
|