Tầm quan trọng của Vi chất dinh dưỡng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ

03/01/2024

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ là yếu tố cơ bản để đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng toàn diện ở các bé. Dinh dưỡng của trẻ em cũng dựa trên các nguyên tắc cốt lõi giống như dinh dưỡng cho người lớn là cung cấp đầy đủ các thực phẩm giàu dinh dưỡng bao gồm vitamin, khoáng chất, carbohydrate, protein và chất béo. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ cần được bổ sung chất dinh dưỡng thích hợp nhu cầu của cơ thể.

Thế nào là dinh dưỡng tốt cho từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ?

Nhu cầu các vi chất, khoáng chất, vitamin khác nhau ở độ tuổi (trẻ em, trẻ nhỏ, vị thành niên, trưởng thành và trung niên) được thể hiện và quy định rõ ở Phụ lục số 01 Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (ban hành kèm theo thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Dinh dưỡng hợp lý ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất và tinh thần ở từng độ tuổi, từng giai đoạn. Có thể nói, chế độ dinh dưỡng của trẻ theo từng độ tuổi đóng vai trò quyết định cho sự phát triển toàn diện của một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái của trẻ. Ngược lại, nếu không được cung cấp đầy đủ và phù hợp chất dinh dưỡng thì có thể dẫn đến sự thiếu hụt hay dư thừa cho sự phát triển của trẻ, gây ra các bệnh lý liên quan đến chế độ dinh dưỡng như: béo phì, suy dinh dưỡng hay ngộ độc,… sẽ được trình bày chi tiết ở phần sau trong bài viết này.

Dinh dưỡng ở từng giai đoạn phát triển của trẻ biến đổi khác nhau

– Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trong 6 tháng đầu đời là không cần bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác ngoài sữa mẹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo đó, sữa mẹ chứa tất cả các dưỡng chất như đạm, bột đường, vitamins và khoáng chất, cùng với các yếu tố vi lượng mà trẻ cần để phát triển khỏe mạnh đồng thời xây dựng khả năng miễn dịch của trẻ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này cũng có sự biến đổi về thời gian cho ăn và thời gian giữa các lần cho ăn ở trẻ, điều này ảnh hưởng bởi sự phát triển ở hệ tiêu hóa và tốc độ tăng trưởng của trẻ qua từng tháng tuổi. Sau 6 tháng, cân nặng của trẻ có thể tăng gấp 2 lần, giai đoạn này là bàn đạp để cơ thể trẻ có sự phát triển nhanh và hoàn thiện cho các giai đoạn sau này của trẻ.

– Trẻ 6-12 tháng tuổi: hệ tiêu hóa của trẻ đã tương đối hoàn chỉnh, có thể giúp bé tiêu hóa những thức ăn khác ngoài sữa. Do đó, trong khoảng thời gian từ 6-8 tháng, bên cạnh bú sữa, có thể cho bé bắt đầu ăn dặm thêm những thức ăn lỏng. Không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn đặc, nó có thể khiến cho bé bị nghẹt thở do cơ thể chưa thích nghi được. Sau 12 tháng, cân nặng của trẻ tăng gấp 3 lần và cao 1,5 lần so với trẻ sơ sinh, nghĩa là trẻ em 1 tuổi có thể cao 75cm. Từ 8-12 tháng tuổi, nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa thay thế 3-4 lần/ ngày. Ở độ tuổi này, cần bổ sung thêm các loại thịt hầm, thịt băm vào khẩu phần ăn của trẻ.

Ăn 1 chế độ ăn uống cân bằng từ sớm có thể giúp trẻ phát triển thái độ tích cực đối với thức ăn, xây dựng 1 nền tảng vững chắc cho việc ăn uống lành mạnh

– Trẻ từ 1-3 tuổi là độ tuổi khám phá sự độc lập và kiểm soát, rất nhiều kĩ năng và phản xạ não bộ sẽ được hình thành trong giai đoạn này nên cần lưu ý bổ sung các vi chất như kẽm, sắt, canxi,… Các vi chất này có quyết định trong việc hình thành và cấu tạo não bộ, quan trọng vô cùng trong sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, giai đoạn trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi được coi là giai đoạn vàng phát triển của trẻ vì ở giai đoạn này, trẻ không những hoàn thiện các bước phát triển về thể chất mà còn bắt đầu hoàn thiện nhận biết thế giới, bước vào giai đoạn phát triển tâm lý. Hệ thống miễn dịch trong cơ thể của trẻ vẫn đang từng bước hoàn thiện, trẻ có thể dễ gặp các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, miễn dịch. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với cơ thể của trẻ giai đoạn này có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ khả năng đề kháng, miễn dịch và các phát triển trí não của trẻ ở các giai đoạn tiếp theo. Miễn dịch tốt, phát triển toàn diện, chắc chắn bé sẽ có một tương lai khỏe mạnh, vững vàng.

– Trẻ từ 3-5 tuổi: Là thời điểm có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ có thể kéo dài suốt đời. Trẻ mẫu giáo có xu hướng phát triển đột ngột, cũng rất hiếu động và cũng đã hình thành sở thích ăn uống, vì vậy cảm giác thèm ăn của chúng có thể không liên tục nên mẹ cần điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo sở thích để trẻ hứng thú hơn, đồng thời số bữa chính và bữa phụ để đảm bảo trẻ có năng lượng hoạt động cả ngày.

Một số bệnh của trẻ liên quan đến chế độ dinh dưỡng

– Béo phì ở trẻ em là bệnh lý thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Y – Xã hội, hiện Việt Nam đã có hơn 300.000 trẻ gặp phải tình trạng béo phì, thừa cân dưới 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ béo phì ở TP.HCM đã vượt mức báo động, cao hơn so với mức trung bình của toàn cầu. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% (2010) lên 19,0% (2020). Đáng chú ý là trên thực tế có đến 60-80% trường hợp trẻ béo phì là do nguyên nhân dinh dưỡng với chế độ ăn giàu béo (thức ăn nhanh, đồ chiên xào,…), chất bột đường (chè, kem, bánh ngọt, nước ngọt,…) vượt mức nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Phần năng lượng dư thừa này sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích trữ trong các cơ quan trong cơ thể bao gồm: nội tạng, bụng, mặt, cánh tay,…

Trẻ em thừa cân cũng có thể gặp các vấn đề như người lớn thừa cân như làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ bị các bệnh xương khớp, tiểu đường, tim mạch,… làm cho cơ thể trẻ em thiếu linh hoạt. Bên cạnh đó, trẻ béo phì dễ bị chọc ghẹo, khiến trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý, dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập. Nhiều trẻ có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng với hình dáng cơ thể, trầm cảm, khiến trẻ để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.

– Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, bao gồm: năng lượng, protein, lipid và các vi chất dinh dưỡng, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới của Tổ chức Unicef, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi sẽ có 1 trẻ mắc phải suy dinh dưỡng. Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi dao động từ 19,6% đến dưới 20% trong đó có hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi mắc phải tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm.

Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ luôn là lo ngại hàng đầu của bố mẹ về sức khỏe và sự phát triển của trẻ bởi chúng gây ra những hậu quả khôn lường như: dễ mắc các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp, đường ruột do hệ thống miễn dịch yếu làm cho cơ thể không đủ khả năng đối phó với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ cơ xương và não bộ làm cho tầm vóc của trẻ thấp hơn bạn bè cùng trang lứa hay khả năng học hỏi và tiếp thu cũng không ngang bằng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức tiêu chuẩn về chiều cao trẻ sơ sinh là 50cm và trong 3 tháng đầu, trẻ có thể tăng lên khoảng 3cm/tháng và tiếp tục tăng 2cm ở những tháng tiếp theo. Vì vậy, nếu thấy trẻ chỉ đạt 90% mức tiêu chuẩn thì khả năng cao là trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tương tự như vậy, nếu cân nặng của trẻ thấp hơn cân nặng tiêu chuẩn WHO từ 90% trở xuống thì rất có thể trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Chính vì vậy, ngoại trừ chăm lo chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ thì theo dõi biểu đồ tăng trưởng của bé hàng tháng là biện pháp ngăn ngừa, phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng và can thiệp kịp thời cho trẻ.

– Với hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện thì tình trạng ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ là rất dễ xảy ra. Đồng thời, ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm độc, có thể vài giờ hoặc vài ngày tiếp theo. Và đặc biệt, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Thông thường, các trường hợp ngộ độc thực phẩm ở trẻ bắt nguồn từ các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa hoặc rau xanh, trái cây bị nhiễm bẩn bởi các tác nhân vi sinh vật như: Vi khuẩn Salmonella, E.coli, Listeria, Staphylococus aureus.. hoặc virus viêm gan A, Norovirus,.. Đặc biệt, các trường hợp ngộ độc được gây ra bởi vi khuẩn E.coli hoặc Listeria thì bệnh nhi có nguy cơ đối mặt với các biến chứng liên quan đến tim mạch, thận và xuất huyết nghiệm trọng.

Ngộ độc thực phẩm bao gồm ngộ độc cấp tính và mãn tính. Ngộ độc cấp tính với các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, co giật, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong. Ngộ độc mãn tính gây ra các bệnh về gan, thận và hệ thống tiêu hóa, miễn dịch của trẻ nhỏ. 

Kết luận

Thông qua bài viết này, tác giả mong muốn đem đến nhận thức cho ba mẹ các bạn nhỏ về vấn đề dinh dưỡng ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh giúp trẻ phát triển toàn diện. Hiểu được nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi sẽ giúp ba mẹ sẽ biết cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ thích hợp giúp trẻ có điều kiện phát triển thể chất và trí não tối đa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-43-2014-TT-BYT-quan-ly-thuc-pham-chuc-nang-258938.aspx

2. https://grandnutrition.vn/che-do-dinh-duong-cho-tre-em-theo-tung-do-tuoi-va-goi-y-thuc-don.html

3. https://tamanhhospital.vn/beo-phi-o-tre-em/

4. https://anuongkhoemanh.com/benh-suy-dinh-duong-o-tre-em/

5. Centers for Disease Control and Prevention. “WHO growth standards are recommended for use in the US for infants and children 0 to 2 years of age.” (2010).

6.https://www.vectorstock.com/royalty-free-vector/food-poisoning-symptoms-child-infographic-poster-vector-13653778

7. https://vitadairy.vn/thuc-pham-giup-phat-trien-tri-nao-cho-tre-v11t107.html

8. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/tim-hieu-thap-dinh-duong-cho-tre-em-3-5-tuoi/

 

Có thể bạn quan tâm

Làm thế nào để phòng ngừa loãng xương

Hiện nay, tỷ lệ người mắc loãng xương trên thế giới ở độ tuổi trên 50 rơi vào khoảng 1/3...
Xem thêm

Hướng dẫn của ESPEN về dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư

Ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới...
Xem thêm

Những chủng lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột ở trẻ nhỏ

Hệ vi sinh đường ruột có tầm quan trọng đặc biệt đối với cơ thể con người, giúp hỗ trợ...
Xem thêm