Vai trò của hệ miễn dịch và HMO trong việc bảo vệ hệ miễn dịch non yếu của trẻ nhỏ

04/05/2023

Hệ miễn dịch là “rào chắn” bảo vệ cơ thể trước các tác nhân xâm nhập như virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ đẩy lùi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại, giúp trẻ tránh được các loại bệnh và giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh.

Vai trò của hệ miễn dịch đối với cơ thể

Hệ miễn dịch rất cần thiết cho sự sống, nếu không có hệ miễn dịch, cơ thể sẽ dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Hệ miễn dịch ở khắp cơ thể và liên quan đến nhiều loại tế bào, cơ quan, protein, mô và giữ cho cơ thể khỏe mạnh khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Hệ miễn dịch của mỗi người là khác nhau, nhưng theo nguyên tắc chung, hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn khi trưởng thành. Chính vì vậy thanh thiếu niên và người lớn có xu hướng bị bệnh ít hơn trẻ em.

Hệ miễn dịch là “rào chắn" bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại (Ảnh: Tcimedicine)

Hệ miễn dịch là “rào chắn” bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại (Ảnh: Tcimedicine)

Có ba loại miễn dịch ở người gọi là miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động:

Miễn dịch bẩm sinh: Tất cả chúng ta được sinh ra với một số mức độ miễn dịch đối với những bệnh bên ngoài. Hệ miễn dịch của con người, tương tự như của nhiều loài động vật, sẽ tấn công những mầm bệnh từ bên ngoài. Miễn dịch bẩm sinh này bao gồm các rào cản bên ngoài của cơ thể chúng ta – tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh – chẳng hạn như da và màng nhầy của cổ họng và ruột. Nếu mầm bệnh tìm cách né tránh hệ miễn dịch bẩm sinh, khả năng miễn dịch thích ứng hoặc thụ động sẽ xảy ra.

Miễn dịch chủ động: Khi chúng ta tiếp xúc với bệnh tật hoặc được tiêm vắc-xin, chúng ta xây dựng một thư viện kháng thể với các mầm bệnh khác nhau. Điều này đôi khi được gọi là bộ nhớ miễn dịch vì hệ miễn dịch của chúng ta nhớ những mầm bệnh trước đó.

Miễn dịch thụ động: Loại miễn dịch này được “mượn” từ một nguồn khác, nhưng không kéo dài vô tận. Ví dụ, em bé nhận được kháng thể từ người mẹ qua nhau thai trước khi sinh và trong sữa mẹ sau khi sinh. Miễn dịch thụ động này bảo vệ em bé khỏi một số bệnh nhiễm trùng trong những năm đầu đời.

Hệ miễn dịch non yếu khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn

Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh tốt là nhờ hệ thống kháng thể nhận được từ khi còn trong bào thai. Tuy nhiên, các kháng thể bắt đầu giảm mạnh trong 6 tháng tiếp theo. Trẻ cần được bú mẹ ngay và bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi, vì đây là nguồn cung cấp kháng thể thụ động để duy trì khả năng miễn dịch.

Bắt đầu từ 6 tháng tuổi trở đi, các kháng thể mẹ truyền sang trẻ đã giảm đi rất nhiều, lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện, phải đến 3 – 4 tuổi thì hệ thống này mới sản xuất đầy đủ các kháng thể giúp chống lại các bệnh lý nhiễm trùng. Khoảng thời gian giao thoa giữa hai hệ thống miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động trong giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi chính là khoảng thời gian trẻ trở nên nhạy cảm đối với các bệnh nhiễm khuẩn như: Tiêu chảy, viêm đường hô hấp hay dị ứng.

Hệ miễn dịch non yếu khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (Ảnh: Sg.Theasianparent) 

Hệ miễn dịch non yếu khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (Ảnh: Sg.Theasianparent)

Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, khả năng đề kháng suy giảm khiến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh gia tăng, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Trẻ có thể mắc một số bệnh dưới đây khi hệ miễn dịch suy yếu:

Bệnh về đường hô hấp: Hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn, việc hít thở nhiều lần trong một phút sẽ tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Bệnh đường hô hấp khiến trẻ nhỏ dễ mắc là: Viêm họng cấp tính; viêm mũi, cảm cúm, viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp, biến chứng viêm phổi… Đối với những trẻ bị bệnh viêm phế quản, biến chứng viêm phổi, viêm họng cấp tính… nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vi khuẩn được xem là nguyên nhân gây bệnh nếu tình trạng sốt, ho, nuốt đau không tự giới hạn hoặc trở nên nặng hơn sau 5 – 7 ngày.

Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp: Thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi. Bệnh khởi phát với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường, trẻ bắt đầu khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở ồn ào (hay còn gọi là thở rít), co lõm hõm ức và lồng ngực. Trẻ ho rất nhiều, có thể khó thở, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Viêm phổi: Xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn, nhất là vi khuẩn Hib và phế cầu khuẩn. Bệnh biểu hiện sớm nhất với dấu hiệu thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè nếu xuất tiết nhiều đờm nhớt ở đường hô hấp , một số trẻ có thể bị sốt cao, thở mệt, lừ đừ. Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Viêm VA: Gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ 2 tháng đến 2 tuổi. Trẻ chảy mũi, nghẹt mũi kéo dài là dấu hiệu điển hình của bệnh.

Viêm mũi xoang cấp: Bệnh tương tự như viêm mũi họng cấp, nhưng các triệu chứng có khuynh hướng giảm nhẹ rồi nặng hơn sau một tuần. Trẻ ngạt mũi, sổ mũi kéo dài. Nước mũi chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng. Trẻ thường quấy khóc nhiều; nếu đã biết nói, trẻ có thể kêu nhức đầu , đau sau hốc mắt, nặng mặt, khô rát họng.

Bệnh về đường tiêu hóa: Ở cơ thể trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời), đường ruột phát triển chưa hoàn chỉnh, hoạt tính Enzyme còn yếu, hệ thống nội tiết, hệ tuần hoàn và chức năng của gan, thận vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Khi hệ miễn dịch suy giảm, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây bệnh phát triển.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa là tình trạng tăng nhu động bất thường của ruột, rối loạn chuyển hóa và hấp thu thức ăn gây ra vấn đề đau bụng và những thay đổi trong đại tiện. Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ sẽ gặp bất tiện trong sinh hoạt. Do thay đổi trong vấn đề đi vệ sinh, trẻ thường xuyên bị đau bụng, đầy hơi, cảm giác khó chịu.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa, do hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện về cấu trúc. Rối loạn tiêu hóa lâu ngày khiến trẻ không hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. Hậu quả là trẻ thường bị suy dinh dưỡng . Chậm phát triển thể chất và hệ miễn dịch kém phát triển.

Tiêu chảy: Đây là một trong các bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em. Nguyên nhân chính gây ra vấn đề này là do đường ruột của trẻ đang bị nhiễm virus hoặc bị một số loại vi khuẩn tấn công. Biểu hiện điển hình của bệnh tiêu chảy là trẻ đi đại tiện ít nhất 3 – 4 lần trong một ngày, phân khá lỏng và thường lẫn dịch nhầy. Kèm theo đó, các triệu chứng trẻ có thể đối mặt như đau bụng, cơ thể mất nước, mất điện giải…

Trong đó, bệnh tiêu chảy tồn tại dưới hai dạng chính, đó là cấp tính và mạn tính, các bậc phụ huynh nên theo dõi cẩn thận. Khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ mất nước cực kỳ nhanh chóng, nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời, có thể đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của trẻ.

Bệnh kiết lỵ: Chủ yếu do ký sinh trùng Amip và trực khuẩn Shigella gây ra, người bị kiết lỵ đi tiêu ra phân rất ít, nhưng có kèm theo nhầy và máu, cùng với triệu chứng sốt, đau bụng, luôn có cảm giác muốn đi cầu, cứ thế trẻ em lả dần, vật vã, hôn mê rồi tử vong.

Nguy cơ chủ yếu của bệnh lỵ Amip là trở thành mạn tính, kéo dài. Ngoài ra, ký sinh trùng Amip có thể xâm nhập vào gan gây áp-xe gan. Loại Shigella hay gây kiết lỵ ở trẻ em, loại này không gây mạn tính, không gây áp-xe gan, nhưng diễn biến cấp tính khi biến chứng có thể gây tử vong trong 24 giờ.

HMO – Dưỡng chất vàng bảo vệ cơ thể trẻ khỏi các tác nhân gây hại

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho trẻ sơ sinh vì có đầy đủ dinh dưỡng cũng như tất cả các thành phần hoạt tính sinh học cần thiết cho sự phát triển tối ưu trong những tháng đầu đời.

Sữa mẹ chủ yếu bao gồm nước, lactose, lipid và protein sữa, trong đó đặc biệt giàu carbohydrate phức tạp, được gọi chung là Human Milk Oligosaccharides (viết tắt là HMO). HMO giúp tạo một lớp “hàng rào” bảo vệ sức khỏe của trẻ trước sự tấn công từ vi khuẩn trong môi trường.

HMO là thành phần chính có trong sữa mẹ, bên cạnh nước, lactose, lipid và protein (Ảnh: Experts Community Network)

HMO là thành phần chính có trong sữa mẹ, bên cạnh nước, lactose, lipid và protein (Ảnh: Experts Community Network)

Theo nghiên cứu “Tính chất chức năng và công nghệ sản xuất HMO” của tác giả Mã Bích Như (Đại học Văn Lang – TP. Hồ Chí Minh), HMO là loại đường phức hợp có tự nhiên trong sữa mẹ và cung cấp nhiều chức năng có lợi cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ chứa hơn 150 HMO khác biệt về cấu trúc, được chia thành 3 loại, như: trung tính fucosyl hóa, trung tính không fucosyl hóa và có tính acid hoặc sialyl hóa. Các HMO sialyl hóa và 2-fucosyllactose (2- FL) có tác động đến sự phát triển của não và năng lực học tập của trẻ. Các HMO khác không được acid hóa là chất nền ưu tiên cho các vi khuẩn bifidobacteria và HMO hoạt động như mồi nhử để ngăn chặn sự bám dính của các mầm bệnh virus hoặc vi khuẩn vào các thụ thể trên tế bào.

HMO đóng vai trò như chất chống dính: Nhiều mầm bệnh do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng đơn bào cần bám vào bề mặt tế bào biểu mô để sinh sôi nảy nở, trong một số trường hợp có thể xâm nhập và gây bệnh. Thông thường, chất gắn ban đầu là trên bề mặt tế bào biểu mô (glycans) còn được gọi là glycocalyx. Trong khi những glycan này được liên hợp với protein hoặc lipid và HMO giống với một số cấu trúc glycan và đóng vai trò như các thụ thể có thể hòa tan đứng ra trước (mồi nhử) ngăn chặn sự liên kết của mầm bệnh với các tế bào biểu mô. Các mầm bệnh không còn khả năng bám trên bề mặt tế bào được nữa và sẽ bị rửa trôi ra ngoài mà không gây bệnh cho trẻ sơ sinh.

HMO hoạt động như chất chống vi khuẩn: HMO có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các tác nhân gây bệnh bằng cách hoạt động như prebiotics cung cấp cho vi khuẩn có lợi một lợi thế phát triển và bằng cách đóng vai trò như chất chống ăn mòn ở phương diện tương tác giữa vi sinh vật và vật chủ. Ngoài ra, HMO có thể có một cách trực tiếp hơn để kiểm soát mầm bệnh. Một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus agalactiae) không còn khả năng sinh sôi khi có HMO. Một ví dụ điển hình, GBS (Group B streptococcus – liên cầu khuẩn nhóm B) là một trong những tác nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh hàng đầu ảnh hưởng đến khoảng 1/2000 trẻ sơ sinh ở Mỹ, GBS khu trú ở đường sinh dục cũng làm tăng xác suất nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) ở phụ nữ mang thai. Một số nghiên cứu khi đưa GBS sử dụng glycosyltransferase để kết hợp các HMO cụ thể vào màng tế bào của chúng, sau đó ngăn chặn sự tăng sinh GBS giống như một số kháng sinh bán trên thị trường. HMO có thể bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh do virus, vi khuẩn hoặc động vật nguyên sinh. Một ví dụ khác, Candida albicans là một loại nấm phổ biến ở ruột trẻ sơ sinh, gây ra phần lớn các bệnh nấm xâm nhập ở trẻ sinh non và có liên quan nhiều đến các rối loạn đường ruột, đe dọa tính mạng như viêm ruột hoại tử và thủng ruột. Điều trị bằng HMO làm giảm đáng kể sự xâm nhập của các tế bào biểu mô ruột non ở người (pIEC) của Candida albicans theo cách phụ thuộc vào liều lượng. 

HMO làm thay đổi phản ứng của biểu mô và tế bào miễn dịch: HMO còn tác động gián tiếp bằng đến vi khuẩn cách thay đổi phản ứng của tế bào chủ. Một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận: “HMO có thể điều chỉnh quá trình chết rụng, tăng sinh và biệt hóa của tế bào biểu mô ruột”, “HMO cũng được chứng minh là làm thay đổi biểu hiện gen của tế bào biểu mô ruột dẫn đến thay đổi glycocalyx bề mặt tế bào. Do đó, HMO không chỉ ảnh hưởng đến sự gắn kết của vi khuẩn – vật chủ bằng cách đóng vai trò là các thụ thể hòa tan, mà còn thay đổi sự biểu hiện của các thụ thể glycocalyx bằng cách lập trình lại tế bào biểu mô.

Như vậy, HMO có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của con người. Kết quả nghiên cứu lâm sàng “”HMO và sự phát triển của hệ miễn dịch” (Human Milk Oligosaccharides and Immune System Development) của nhóm tác giả thuộc Đại học de Granada – Tây Ban Nha cũng cho kết quả HMO có tác dụng hỗ trợ bảo vệ hệ miễn dịch non yếu của trẻ khỏi các tác nhân gây hại. Do đó, trong những năm tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chất lượng để trẻ bổ sung HMO tự nhiên, từ đó cải thiện chức năng miễn dịch của cơ thể.

Xây dựng “hàng rào miễn dịch” bảo vệ cơ thể trẻ khỏi các tác nhân gây hại bằng 2’FL-HMO

Như đã nói ở trên, HMO là dưỡng chất nhiều thứ 3 có trong sữa mẹ với hơn 150 HMO khác nhau. Trong đó 2’FL-HMO (2’-Fucosyllactose) là loại HMO phổ biến nhất trong sữa mẹ, chiếm lượng lớn nhất, lên tới 30% tổng hàm lượng HMO có trong sữa mẹ, đồng thời có vai trò vô cùng quan trọng, giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. 

2’FL-HMO (2’-Fucosyllactose) là loại HMO phổ biến nhất trong sữa mẹ (Ảnh: Freepik)

2’FL-HMO (2’-Fucosyllactose) là loại HMO phổ biến nhất trong sữa mẹ (Ảnh: Freepik)

Theo nghiên cứu của Hội đồng khoa học thuộc cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), trong tổng số rất nhiều loại HMO được tìm thấy trong sữa mẹ, 2’FL-HMO là một trong hai loại HMO được đánh giá và phê duyệt về tính ứng dụng và bổ sung an toàn vào thực phẩm cho trẻ em. 2’FL-HMO sở hữu những lợi ích tuyệt vời dưới đây:

Cải thiện hệ miễn dịch đường ruột: Khoảng 70% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột nên cách tốt nhất để tăng sức đề kháng cho trẻ là chăm sóc sức khỏe đường ruột. Trong hệ miễn dịch của trẻ luôn tồn tại lợi khuẩn hỗ trợ cơ thể trẻ chống chọi với các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Tuy nhiên, không thể đảm bảo 100% rằng các vi khuẩn gây hại không xuất hiện. Vì vậy, nếu những lợi khuẩn không được nuôi dưỡng thì chúng sẽ không đủ sức để chống lại các vi khuẩn gây hại. Lúc này, 2’FL-HMO hoạt động như một Prebiotic, trở thành nguồn “thức ăn” cho vi khuẩn có lợi, kích thích sự tăng trưởng của chúng. Từ đó, hệ tiêu hóa cũng như đường ruột của bé khỏe hơn, hấp thu hiệu quả chất dinh dưỡng cho cơ thể. 

Ngăn chặn sự bám dính của vi khuẩn gây hại: 2’-FL HMO còn hỗ trợ chống lại các loại vi khuẩn, virus có tính bám dính, ngăn chúng bám vào thành ruột. Nhờ đó, các vi khuẩn được đào thải ra ngoài cơ thể thông qua đường tiêu hóa, giúp trẻ hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Trường hợp không có 2’FL-HMO, các nhóm virus này sẽ bám chặt vào đường ruột, gây ra các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ.

Tăng cường phát triển trí não ở trẻ: 2’FL-HMO còn đóng vai trò như một nguồn cung cấp axit sialic (N-acetylneuraminic axit, là thành phần cấu tạo nên Ganglioside – phân tử tập trung nhiều ở đầu dây thần kinh, có chức năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ, hình thành não bộ ở trẻ) cho sự phát triển của hệ thần kinh. Nhờ vậy mà trẻ phát triển toàn diện về nhận thức, khả năng tiếp thu và học hỏi cũng nhanh hơn. 

Hệ miễn dịch non yếu của trẻ dễ gặp nguy cơ nhiễm khuẩn. Theo khuyến nghị từ các chuyên gia, cha mẹ nên nỗ lực duy trì nguồn sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời để bổ sung đầy đủ HMO cho bé.

Trong trường hợp, trẻ không được bú mẹ để hấp thu dưỡng chất này, cha mẹ có thể chọn sản phẩm dinh dưỡng có chứa HMO, đặc biệt là 2’FL-HMO. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần bổ sung lợi khuẩn qua thực phẩm nhằm tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ cần cho bé ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc. Chuối và măng tây là rau củ tự nhiên giàu lợi khuẩn, góp phần tăng cường sức đề kháng của trẻ. Những thực phẩm nhiều vitamin C như cam, quýt, sơ ri, nho, bưởi, táo tây, kiwi, chuối… có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, nâng cao khả năng diệt khuẩn của các tế bào.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Goto, K., et al. (2010). Chemical characterization of oligosaccharides in the milk of six species of New and Old World monkeys. Glycoconjugate Journal, 27(7), 703-715.
  2. Morrow, A.L., et al. (2005). Human-milk glycans that inhibit pathogen binding protect breast-feeding infants against infectious diarrhea. The Journal of Nutrition, 135(5), 1304-1307.
  3. Newburg, D.S., G.M. Ruiz-Palacios, and A.L. Morrow. (2005). Human milk glycans protect infants against enteric pathogens. Annual Review of Nutrition, 25,37-58. 
  4. Julio Plaza-Díaz, Luis Fontana, Angel Gil. (2018) Human Milk Oligosaccharides and Immune System Development.
  5. Ross, S.A., et al. (2016). The role of oligosaccharides in host-microbial interactions for human health. Journal of Clinical Gastroenterology, 50, s 131 -S132.
  6. Marcobal, A. and J. Sonnenburg. (2012). Human milk oligosaccharide consumption by intestinal microbiota. Clinical Microbiology and Infection, 18,12-15.
  7. Trung tâm Y tế quận Gò Vấp. “Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch), 2022.
  8. Cổng thông tin điện tử ngành Y tế tỉnh Hà Tĩnh. “Các bệnh thường gặp khi hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm”, 2022. 
  9. Mã Bích Như, “Tính chất chức năng và công nghệ sản xuất HMO”, 2022.
  10. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, “4 cách giúp trẻ tăng sức đề kháng”, 2018.

 

Có thể bạn quan tâm

Trẻ kém hấp thu dưỡng chất – Nguyên nhân và giải pháp

Trẻ tiêu hóa kém, đau ốm triền miên, mãi không tăng cân theo tiêu chuẩn là nỗi lo của nhiều...
Xem thêm

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Basedow

Basedow là bệnh của tuyến giáp với triệu chứng điển hình là bướu cổ, lồi mắt và rối loạn tim...
Xem thêm

Khuyến nghị của Châu Âu về điều trị bệnh béo phì ở bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa và gan

Patients with chronic gasttrointestinal (GI) disease such as inflammatory bowel disease (IBD), irritable bowel syndrome (IBS), celiac disease, gastroesophageal reflux...
Xem thêm