Giai đoạn từ 1 – 5 tuổi là “độ tuổi vàng” xác định tầm vóc tương lai của trẻ, tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian trẻ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là biếng ăn. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ vượt qua vấn đề chán ăn và tiếp tục đà tăng trưởng của mình.
Dinh dưỡng và biếng ăn là hai yếu tố có tác động qua lại với nhau. Trẻ biếng ăn, ăn ít, ăn không đủ khẩu phần và ăn thiếu một số nhóm thực phẩm sẽ khiến tình trạng dinh dưỡng của trẻ kém đi. Biếng ăn lâu ngày có thể dẫn đến suy dinh dưỡng năng lượng – đạm và vi chất. Mặt khác, suy dinh dưỡng năng lượng – đạm và vi chất cũng làm thay đổi vị giác, khiến trẻ ăn không ngon miệng với bất kỳ loại thực phẩm nào. Việc thiếu vi chất cũng khiến hệ miễn dịch của trẻ yếu hơn bình thường, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, đồng thời gây ra chứng chán ăn do những vấn đề bệnh lý trên.
Dinh dưỡng và biếng ăn là hai yếu tố có tác động qua lại với nhau. (Ảnh: Freepik)
Để dừng “vòng lặp biếng ăn” vô tận này, trẻ cần được theo dõi và nhận biết sự thiếu hụt dinh dưỡng để có biện pháp can thiệp kịp thời trước khi tình trạng suy dinh dưỡng xảy ra quá trầm trọng và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ. Vậy làm thế nào để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ một cách hợp lý, và vi chất nào đóng vai trò quan trọng cho sự ngon miệng của trẻ? Dưới đây là lời giải đáp cho thắc mắc trên.
Dưới đây là một số lời khuyên được tổng hợp từ các tài liệu trong và ngoài nước cho vấn đề biếng ăn ở trẻ :
– Chỉ cho trẻ ăn bổ sung khi tròn 6 tháng, không cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.
– Cho trẻ ăn đủ lượng và đủ bữa theo nhu cầu sinh lý lứa tuổi. Có thể cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày nhưng khoảng cách giữa các bữa không được quá gần, đặc biệt không cho trẻ ăn quà vặt trước bữa ăn, sẽ làm trẻ no, mất cảm giác thèm ăn, không chịu ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng khác.
– Cho trẻ ăn khi trẻ thấy đói, không nên thúc ép, tạo ấn tượng xấu về bữa ăn cho trẻ.
– Giới hạn thời gian ăn của trẻ trong 20 -30 phút. Sau bữa ăn không để trẻ tiếp xúc tiếp với thức ăn, như vậy trẻ sẽ không bị chán ăn trong bữa tới.
– Cho trẻ vận động, chơi hoặc tắm trước khi ăn, giúp trẻ có cảm giác đói.
Trẻ vận động, chơi trước khi ăn nhằm tạo cảm giác đói, kích thích thèm ăn. (Ảnh: Freepik)
– Cho trẻ ăn cùng bạn bè gia đình, động viên trẻ ăn, làm gương cho trẻ trong ăn uống.
– Nên cho trẻ tự xúc, tự cầm thức ăn, hỗ trợ trẻ khi cần.
– Giới thiệu đa dạng các loại thức ăn mới một cách từ từ.
– Có thể bổ sung vitamin và khoáng chất nếu chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo.
– Đưa trẻ đi khám nếu có các biểu hiện bệnh lý như ốm, sốt, ho, tiêu chảy, không tăng cân trong hai tháng liên tiếp, biếng ăn trong thời gian dài, ít hoạt động thể chất hơn.
– Kẽm: Theo Sở Y tế Hà Nội, Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Kẽm tham gia vào thành phần cấu trúc tế bào, tác động đến hầu hết các quá trình sinh học trong cơ thể, hoạt hóa nhiều enzym khác nhau, tác động chọn lọc lên quá trình tổng hợp, phân giải acid nucleic và protein – những thành phần quan trọng nhất của sự sống.
Kẽm được đưa vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa và được hấp thu ở ruột non. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về Kẽm và vai trò của Kẽm trong sự tăng trưởng, phát triển được giới y khoa đặc biệt quan tâm. Ngày càng có nhiều bằng chứng khẳng định tầm quan trọng của Kẽm trong hầu hết các cơ quan chức năng của cơ thể và thiếu Kẽm trở thành một nguy cơ sức khỏe cộng đồng cần tích cực phòng tránh.
Kẽm đã được chứng minh là một khoáng chất giúp tạo sự ngon miệng, thèm ăn. Thực tế, một trong những biểu hiện của việc thiếu Kẽm ở trẻ là triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng 3. Thậm chí, kể cả khi trẻ không thiếu vi chất này, việc bổ sung Kẽm cũng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Một nghiên cứu lâm sàng của Khademian và các cộng sự năm 2013 tại Iran đã chứng minh tác dụng của việc bổ sung 10mg Kẽm/ngày trong 12 tuần đối với trẻ từ 2 – 6 tuổi giúp tăng lượng thức ăn trẻ tiêu thụ và tăng sự ngon miệng, bất kể trẻ có bị thiếu hụt Kẽm hay không. Kẽm là là một nguyên tố vi lượng thiết yếu đóng góp vào sự hoạt động của khoảng 300 enzyme trong cơ thể liên quan đến các chức năng sinh lý khác nhau. Việc Kẽm có thể cải thiện các rối loạn vị giác, tốc độ tiết nước bọt nhờ khả năng kích thích các neuropeptide liên quan đến phản xạ ăn trong hệ thống thần kinh ở vùng dưới đồi não.
Kẽm là khoáng chất giúp tạo cảm giác ngon miệng, thèm ăn cho trẻ. (Ảnh: Freepik)
– Các Vitamin nhóm B: Các Vitamin nhóm B cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự ngon miệng ở trẻ. Một nghiên cứu lâm sàng trên trẻ từ 4 – 10 tuổi đăng tải trên tạp chí Journal of Nutrition đã chứng minh hiệu quả của chế độ ăn bổ sung các loại vitamin nhóm B sẽ làm tăng từ 17 đến 25% gam thức ăn trẻ tiêu thụ mỗi ngày, từ đó tăng calo năng lượng nạp vào cơ thể, giúp trẻ tăng cân. Thiếu hụt Vitamin nhóm B sẽ khiến trẻ ăn không ngon miệng, vì vậy người chăm sóc trẻ cần chú ý bổ sung các Vitamin này để phòng ngừa biếng ăn.
Cơ chế hoạt động của các Vitamin nhóm B tạo ra nhiều hiệu ứng và kết quả khác nhau trên cơ thể. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiểu đúng yếu tố này giúp tránh bổ sung tùy tiện Vitamin nhóm B, đồng thời tối ưu sức khỏe dinh dưỡng ở trẻ em. Những thực phẩm tương ứng với từng loại Vitamin nhóm B cũng là điều cần được quan tâm nhằm bổ sung đúng, đủ dưỡng chất phù hợp với nhu cầu riêng biệt của cơ thể trẻ.
Vitamin B1 (thiamine) đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, acid amin, mỡ, đường và rượu. Thiếu Vitamin B1, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển hóa đường (glucose), dẫn đến giảm năng lượng nghiêm trọng. Thiếu hụt B1 cũng có thể gây ra phù nề các tổ chức, rối loạn trong dẫn truyền thần kinh và giảm khả năng sử dụng oxi (O2) của tế bào.
Các loại thực phẩm giàu Vitamin B1 xuất hiện trong các bữa ăn thường ngày của trẻ như rau, đậu, trứng, sữa, thịt, cá.
Vitamin B2 (riboflavin) giúp cơ thể dễ dàng chuyển hóa carbohydrate và protein, cũng như bảo toàn trọn vẹn màng tế bào. Không bổ sung đủ Vitamin B2, trẻ sẽ dễ gặp các biểu hiện như viêm miệng, viêm lưỡi, tổn thương da, nứt mép, chảy nước mắt,…, đồng thời ảnh hưởng đến thói quen ăn uống hàng ngày, hoạt động của gan, gây hạ đường huyết, hôn mê, thậm chí đột tử, co giật.
Có thể bổ sung Vitamin B2 cho trẻ qua các thực phẩm tự nhiên hàng ngày: trứng, nấm, gan, yaourt, bánh mì, rau xanh, thịt.
Vitamin B3 (Vitamin PP – niacin) tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate và tế bào, đồng thời tham gia trong quá trình phản ứng giảm oxy hóa. Thiếu niacin, cơ thể trẻ có thể mắc các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, trong đó có rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện thường gặp là các viêm niêm mạc miệng, viêm dạ dày, niêm mạc đường tiêu hóa kèm theo tiêu chảy hoặc chảy máu trực tràng. Những yếu tố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ, gây ra hiện tượng ăn uống kém, ăn không ngon miệng.
Có thể bổ sung Vitamin B3 từ các loại thức ăn có nguồn gốc động vật (tôm, cua, thịt, cá, ốc, ếch,…); các loại rau (giá đỗ, rau ngót, rau bí, rau dền đỏ,…) hoặc các thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác (đậu xanh, lạc, vừng, đậu tương,…)
Vitamin B6 (biotin) tham gia quá trình chuyển hóa nitrogen, sinh tổng hợp acid nucleic, đóng vai trò thiết yếu xuyên suốt quá trình chuyển hóa lipid, protid, glucid, cũng như tổng hợp một số chất dẫn truyền thần kinh. Vitamin B6 cũng hỗ trợ duy trì sức khỏe của các tế bào máu đỏ, hệ thống thần kinh và các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch.
Có thể bổ sung Vitamin B6 với các thực phẩm như rau xanh, cà chua, ngũ cốc nguyên hạt, gan, thịt, trứng, cá, hoa quả (ngô, nho, táo, dứa).
Vitamin B9 (Acid folic) tổng hợp purine, pyrimidines làm trưởng thành tế bào hồng cầu, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển methionine của hệ thần kinh bào thai. Thiếu Vitamin B9 có thể gây suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, tim đập nhanh, ảnh hưởng đến thói quen và sự ngon miệng khi ăn uống ở trẻ.
Người chăm sóc trẻ vì vậy cần lưu ý để trẻ sử dụng các nguồn thực phẩm bổ sung nhiều Vitamin B9 như rau xanh, phô mai, các loại đậu, nấm, hoa qua (cam, chuối),…
Vitamin B12 là loại Vitamin duy nhất thuộc nhóm B tham gia vào quy trình tái tạo, sửa chữa thần kinh ngoại biên. Đồng thời, đây cũng là nhóm Vitamin mà cơ thể không thể tự tạo ra được, có nghĩa phải được bổ sung từ chế độ ăn uống hàng ngày hoặc bằng thuốc theo quy định của bác sĩ (trong trường hợp thiếu hụt Vitamin B12 mức độ nặng).
Có thể bổ sung Vitamin B12 cho trẻ từ các loại thức ăn động vật như thịt gà, thịt cừu, trứng; hoặc sữa chua, sữa, nấm.
– Sắt: Trẻ nhỏ mắc bệnh thiếu máu do sự thiếu hụt lượng sắt trong cơ thể thường có triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng. Một nghiên cứu lâm sàng của Dogan và các cộng sự năm 2013 đã cho thấy tác dụng tích cực của việc bổ sung sắt đường uống trong việc làm tăng sự ngon miệng ở trẻ mắc bệnh thiếu máu.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sắt có vai trò vô cùng quan trọng với trẻ em, do đây là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất. Sắt cùng protein tạo huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy, vì vậy, trẻ thiếu sắt sẽ có nguy cơ mắc thiếu máu dinh dưỡng, dẫn đến hiện tượng thiếu oxy ở tim, não, cơ bắp. Hiện tượng này gây nên tình trạng tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, trẻ không thể tập trung và hay ngủ gật, đặc biệt lâu dài khiến trẻ mắc bệnh biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, táo bón, hoặc hay nôn trớ.
Bên cạnh đó, thiếu sắt cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng đến chức năng hoạt động các hệ tuần hoàn trong cơ thể:
Là một vi chất vô cùng quan trọng, vì vậy, người chăm sóc trẻ cần đặc biệt quan tâm đến bổ sung đủ sắt cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng được xây dựng một cách hợp lí. Theo ThS Lê Thị Hải, cần lưu ý một vài yếu tố sau để bổ sung sắt đúng cách, tăng cường sức khỏe dinh dưỡng ở trẻ em, phòng tránh và góp phần chữa trị hiệu quả biếng ăn.
– Lysine: Lysine là một axit amin thiết yếu quan trọng đối với quá trình tăng trưởng của trẻ và giúp tăng lượng hormone thúc đẩy sự thèm ăn và điều chỉnh cảm giác no. Không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng, Lysine còn đóng vai trò gia tăng chuyển hóa, hấp thu tối đa dinh dưỡng nhằm tối ưu quá trình tăng trưởng chiều cao, ngăn ngừa bệnh loãng xương. Ngoài ra, dưỡng chất này còn có nhiều công dụng tối ưu khác cho các hoạt động chức năng trong cơ thể:
Một nghiên cứu lâm sàng trên trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi đã chứng minh việc bổ sung lysine và vitamin B12 có tác dụng tích cực trong quá trình điều trị biếng ăn ở trẻ nhỏ độ tuổi này.
Theo Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TP.HCM, thiếu Lysine thường gặp ở trẻ biếng ăn kéo dài hoặc trẻ không thích ăn các thực phẩm giàu Lysine, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, buồn nôn, biếng ăn, dễ kích động, chậm tăng trưởng chiều cao, thiếu máu,… Lúc này, cần chọn lựa thực phẩm giàu Lysine để chế biến, đồng thời bổ sung thêm những thực phẩm có bổ sung Lysine (ví dụ như sữa) hoặc dùng thuốc bổ bổ sung Lysine theo yêu cầu từ bác sĩ do trẻ biếng ăn thường ăn rất ít.
Một thực phẩm được đánh giá đủ Lysine khi chứa ít nhất 51mg Lysine trong 1 gram Protein của thực phẩm (tối thiểu 5.1% Lysine trên tổng lượng Protein). Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần tập trung vào các thực phẩm như cá, thịt đỏ, thịt cừu, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, các loại đậu,..
Bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ ăn ngon miệng hơn (Ảnh: Freepik)
Như vậy, dinh dưỡng và biếng ăn có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ: Trẻ biếng ăn lâu ngày sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, và trẻ suy dinh dưỡng sẽ có tình trạng biếng ăn kéo dài. Để trẻ vượt qua tình trạng biếng ăn, người chăm sóc trẻ cần theo dõi sát sao tình trạng dinh dưỡng của trẻ và có biện pháp bổ sung dưỡng chất hợp lý để trẻ ăn ngon miệng hơn.
Tài liệu tham khảo:
|