Thay đổi lối sống và chế độ ăn chính là phương pháp điều trị được ưu tiên hàng đầu đối với người bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ). Đây cũng là phần khó khăn nhất trong kế hoạch điều trị bởi không có một chế độ ăn uống nào phù hợp cho mọi đối tượng bệnh nhân, vì vậy việc lập kế hoạch bữa ăn nên được cá nhân hóa.
Liệu pháp dinh dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong việc quản lý tổng thể bệnh ĐTĐ và mỗi người mắc bệnh ĐTĐ nên tích cực tham gia vào việc giáo dục, tự quản lý, lập kế hoạch điều trị bao gồm cả việc hợp tác phát triển kế hoạch ăn uống cá nhân với các chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng. Dưới đây là một số nguyên tắc và những mục tiêu cần đạt được mỗi bữa ăn, cùng những khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý cho người bệnh ĐTĐ.
– Chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ: Nhiều người bệnh hiểu nhầm về chế độ ăn kiểm soát đối với bệnh ĐTĐ là phải kiêng khem khắc nghiệt, đặc biệt là cắt toàn bộ chất bột đường ra khỏi chế độ ăn, từ đó ăn ít, ăn không đủ lượng, gây thiếu chất và năng lượng, làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm. Mặt khác, một số bệnh nhân ỷ lại vào thuốc điều trị và không kiểm soát chế độ ăn, dẫn đến béo phì, gia tăng nguy cơ bệnh tật như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị ĐTĐ vẫn có tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, kiểm soát chế độ ăn phù hợp là ưu tiên hàng đầu trong điều trị ĐTĐ. Một chế độ ăn cân bằng và đầy đủ cung cấp đủ năng lượng, đạm, bột đường, chất béo và các vi chất dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng, nhu cầu chuyển hóa, tình trạng bệnh lý, thói quen ăn uống và lối sống của người bệnh.
– Không gây tăng vọt đường huyết sau ăn: Sau khi ăn, đường huyết của bệnh nhân ĐTĐ sẽ tăng vọt. Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA) đã khuyến cáo mức đường huyết sau bữa ăn 1 – 2 giờ cần giữ ở mức dưới 180 mg/dl (10.0 mmol/L). Vì vậy, việc sử dụng đúng các loại thức ăn và phân bổ bữa chính, bữa phụ hợp lý chính là chìa khóa để giảm tình trạng tăng vọt đường huyết sau ăn.
– Phòng ngừa hạ đường huyết trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn với nhau: Hạ đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ xảy ra khi lượng đường trong máu nhỏ hơn < 70 mg/dL (3.9 mmol/L). Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm run rẩy, bức bối, lú lẫn, nhịp tim nhanh và cảm giác đói, gây nhiều bất tiện cho bệnh nhân ĐTĐ. Với những bệnh nhân bị tụt đường huyết xuống < 54 mg/d, người bệnh có thể bị bất tỉnh, co giật, hôn mê hoặc thậm chí là tử vong. Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ có thể kể đến như lượng thức ăn tiếp nạp không đủ để bù cho các hoạt động thể chất, lạm dụng insulin và thuốc điều trị ĐTĐ, hoặc uống rượu. Vì vậy, việc lên kế hoạch dinh dưỡng cho người bệnh ĐTĐ cần chú trọng đến việc kiểm soát và phòng ngừa hạ đường huyết trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn.
– Kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý: Những bệnh nhân thừa cân, béo phì thường có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch và rối loạn lipid máu, đồng thời làm tăng tình trạng kháng insulin. Các mô mỡ và axit béo trong máu cũng làm tăng tiết một số hormon, làm giảm tác dụng của insulin. Vì vậy, những bệnh nhân thừa cân béo phì cần có lộ trình giảm cân từ từ, phù hợp với mục tiêu giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong vòng 3-6 tháng đến khi đạt được cân nặng lý tưởng và duy trì mức cân nặng này. Ngược lại, đối với những bệnh nhân suy dinh dưỡng, có cân nặng chưa hợp lý, chế độ dinh dưỡng cũng cần điều chỉnh phù hợp để bệnh vừa có thể bổ sung năng lượng mà vẫn đảm bảo các mục tiêu trong chế độ ăn điều trị ĐTĐ
– Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như Tăng huyết áp, Rối loạn chuyển hóa Lipid máu: Theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA), bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người mắc bệnh ĐTĐ và tiêu tốn nhiều chi phí điều trị. Trong đó, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid máu là hai yếu tố phổ biến gây ra các bệnh về tim mạch và xơ vữa động mạch. Nếu kiểm soát các yếu tố nguy cơ này không tốt, người bệnh sẽ phải đối mặt với những gánh nặng kép về cả tình trạng xơ vữa động mạch lẫn sự tiến triển của biến chứng ĐTĐ như mù lòa, suy thận và loét các chi. Vì vậy, trong chế độ ăn của người bệnh ĐTĐ cần hạn chế các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ cao huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Với những mục tiêu chế độ ăn nêu trên, dưới đây là khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ĐTĐ cân bằng, đầy đủ và hợp lý.
Về Năng lượng
Người bệnh ĐTĐ cần được cung cấp đủ năng lượng, phù hợp với thể trạng riêng biệt của từng cá thể, đồng thời tỷ lệ các nguyên tố đa lượng cung cấp năng lượng gồm Đạm – Bột Đường – Chất béo cũng cần được bổ sung ở mức hợp lý.
Đối với người bệnh có cân nặng bình thường (không được chẩn đoán thừa cân, béo phì), nhu cầu năng lượng một ngày rơi vào khoảng 25 – 30 kcal/kg thể trọng đối với người lao động nhẹ, 30 – 35 kcal/kg thể trọng đối với người lao động vừa và 40 – 45 kcal/kg thể trọng đối với người lao động nặng.
Đối với bệnh nhân thừa cân béo phì, mức năng lượng cần bổ sung sẽ thấp hơn nhưng cần đảm bảo đạt 20 – 30 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày
Cân nặng lý tưởng của người bệnh được tính theo công thức sau:
Cân nặng lý tưởng = Chiều cao (m) x Chiều cao (m) x 22
Bên cạnh đó, các nguyên tố đa lượng cung cấp năng lượng cần được bổ sung theo tỷ lệ sau:
Về chất bột đường
Nhiều người hiểu nhầm rằng chế độ ăn cho người bệnh ĐTĐ cần cắt hoàn toàn bột đường. Thực tế, người bệnh vẫn cần được cung cấp khoảng 130g bột đường/ngày, chiếm 50 – 60% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn những thực phẩm cung cấp bột đường có chỉ số tăng đường huyết từ trung bình đến thấp.
Phân loại các loại thức ăn có chỉ số tăng đường huyết :
Cao | Trung bình | Thấp | Rất thấp |
≥ 70% | 56 – 69% | 40 – 55% | ≤ 40% |
Những thực phẩm được khuyến khích sử dụng để bổ sung tinh bột là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, khoai củ, bánh mì đen), đồng thời hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường làm tăng đường huyết nhanh như bánh kẹo, bánh mì trắng, hoa quả ngọt như mít, đu đủ, xoài, hoa quả sấy khô, mật ong,…. Người bệnh cũng có thể cân nhắc sử dụng những thực phẩm sử dụng hệ đường có chỉ số đường huyết thấp như maltitol, isomalt, palatinose, đường cỏ ngọt… để tăng vị giác mà không làm tăng vọt đường huyết sau ăn.
Về chất béo
Chất béo trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh ĐTĐ cần được xem xét và chú trọng bởi nó có mối quan hệ mật thiết đến vấn đề rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Mỗi ngày người bệnh cần được bổ sung một lượng chất béo chiếm 20 – 25% tổng năng lượng khẩu phần, lưu ý rằng hàm lượng chất béo bão hòa (saturated fat) chỉ nên chiếm dưới 10% tổng năng lượng khẩu phần và lượng cholesterol trong thực phẩm bổ sung dưới 300 mg/ngày. Đặc biệt, hạn chế chất béo transfat ở mức dưới 1% tổng năng lượng khẩu phần. Tỷ lệ bổ sung các loại chất béo được khuyến nghị như sau: chất béo bão hòa: chất béo không bão hòa 1 nối đôi (Mono-unsaturated fatty acid – MUFA): chất béo không bão hòa nhiều nối đôi (Poly-unsaturated fatty acid – PUFA) = 1:1:1.
Người bệnh nên chọn những thực phẩm cung cấp chất đạm nhưng chứa ít chất béo bão hòa như cá, hoặc phần nạc của các loại thịt lợn, bò, gà, các nguồn đạm từ thực vật như đậu phụ, lạc, vừng. Nên sử dụng các loại dầu thực vật để chiên rán vì mỡ động vật chứa nhiều chất béo bão hòa. Những thực phẩm có chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa cũng cần hạn chế như thịt mỡ, nội tạng động vật, dầu cọ, dầu dừa, bơ thực vật, shortening hoặc các thực phẩm được chiên rán kỹ, sử dụng dầu đã qua sử dụng ở nhiệt độ cao vì chúng chứa nhiều chất béo transfat.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được bổ sung các chất béo có lợi cho tim mạch như MUFA, PUFA, Omega 3. Trong đó, tác dụng giảm nồng độ cholesterol xấu (LDL cholesterol) của chất béo MUFA, PUFA đã được Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu EFSA công nhận. Bên cạnh đó, một nghiên cứu lâm sàng của Paniagua và các cộng sự đăng tải trên tạp chí American College of Nutrition đã cho thấy một chế độ ăn giàu MUFA giúp người bệnh ĐTĐ cải thiện tình trạng kháng insulin, hạn chế lượng đường tăng vọt sau ăn. trong một nghiên cứu tổng hợp của Skerrett và các cộng sự trên tạp chí The European Journal of Preventive Cardiology cũng chỉ ra lợi ích của việc tiêu thụ dầu cá, một nguồn dầu Omega 3, giúp giảm nguy cơ gây đột quỵ. Người bệnh có thể bổ sung những thực phẩm giàu MUFA, PUFA và Omega 3 như dầu oliu, dầu cá, các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ cười… trong chế độ ăn, đặc biệt là với những người có rối loạn chuyển hóa lipid.
Về chất đạm
Đối với những bệnh nhân không có biến chứng về thận, một ngày người bệnh cần được cung cấp 1 – 1,2 g đạm/kg cân nặng/ngày. Còn đối với bệnh có protein niệu hoặc suy thận, lượng đạm cần cung cấp là 0,8 g/kg cân nặng/ngày. Người bệnh nên kết hợp ăn các loại đạm có nguồn động vật và thực vật trong khẩu phần ăn. Đạm động vật có hàm lượng axit amin thiết đầy đủ, dồi dào, nhưng chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa. Trong khi đó đạm thực vật dù hàm lượng axit amin thiết yếu không đầy đủ như đạm động vật nhưng chúng dễ tiêu hóa và không chứa nhiều cholesterol như đạm động vật. Bệnh nhân nên bổ sung nhiều cá và thủy hải sản, thịt gia cầm bỏ da, thịt bò, lợn ít mỡ, hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, có thể tiêu thụ 2 – 4 quả trứng/tuần.
Về chất xơ
Lượng chất xơ người bệnh cần tiêu thụ một ngày là khoảng 20 – 30g. Chất xơ giúp làm chậm tốc độ tiêu hóa và giải phóng glucose vào máu từ từ nhờ tác dụng giữ thức ăn ở dạ dày lâu hơn và ngăn cản men tiêu hóa tác dụng với thức ăn. Bên cạnh đó, ngoài những tác dụng về mặt tiêu hóa như giảm táo bón, điều hòa nhu động ruột, chất xơ cũng giúp giảm cholesterol, phòng ngừa xơ vữa động mạch. Một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng tại Dallas Mỹ đã cho thấy một chế độ ăn giàu chất xơ (50 g chất xơ/ngày với tỉ lệ xơ hòa tan và xơ không hòa tan là 1:1) có tác dụng cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, giảm lipid máu và giảm tăng tiết insulin ở người bệnh ĐTĐ. Việc bổ sung các chất xơ hòa tan như FOS, Inulin cũng có chứng minh lâm sàng giúp giảm các chỉ số đường huyết ở người bệnh ĐTĐ tuýp 2 và người bệnh tiền ĐTĐ.Vì vậy, người bệnh cần chú trọng bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ quả trong chế độ ăn để hạn chế sự tăng vọt đường huyết sau ăn và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ về tim mạch.
Về Vitamin và Khoáng
Người bệnh ĐTĐ cần được bổ sung đầy đủ các nguyên tố vi lượng là vitamin và khoáng để duy trì các chức năng sinh lý trong cơ thể. Để bổ sung vitamin cho cơ thể một cách tự nhiên, người bệnh nên chọn bổ sung những loại hoa quả có chỉ số đường huyết thấp như ổi, táo, cam, lê, hoặc một lượng vừa phải những hoa quả có chỉ số đường huyết trung bình như chuối, đu đủ, hạn chế các trái cây có chỉ số đường huyết cao như vải, xoài, dưa hấu, nhãn. Nên tiêu thụ hoa quả dưới dạng nguyên múi, nguyên miếng thay vì ép nước trái cây vì chất xơ trong hoa quả giúp giảm tốc độ hấp thụ đường từ hoa quả vào máu. Ngoài ra, bệnh nhân nên được chú trọng bổ sung kẽm.
Có nhiều nghiên cứu lâm sàng được tổng hợp tại bài viết:“Effects of zinc supplementation on diabetes mellitus: a systematic review and meta-analysis” (Tác dụng của việc bổ sung kẽm đối với bệnh Đái tháo đường: Tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp) cho thấy việc bổ sung kẽm có tác dụng kiểm soát đường huyết và giữ cho mức lipid máu ở mức khỏe mạnh, giảm huyết áp tâm thu và tâm trương. Những thực phẩm giàu kẽm mà bệnh nhân có thể bổ sung gồm có các loại thịt, cá, hải sản, các loài cây họ đậu.
Hạn chế muối
Khuyến nghị về giới hạn lượng muối tiêu thụ trong ngày là 5g. Việc tiêu thụ nhiều muối có liên quan đến vấn đề tăng huyết áp nên người bệnh cần hạn chế những thực phẩm có chứa nhiều muối sẵn như dưa muối, mì tôm, các sản phẩm thịt đã qua chế biến như thịt chân giò muối, thịt hun khói, xúc xích, hạn chế cho thêm quá nhiều gia vị như nước mắm khi ăn uống.
Hạn chế đồ uống có cồn
Rượu, bia làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nên bệnh nhân ĐTĐ được khuyến cáo hạn chế những đồ uống có cồn ở mức 1 – 2 đơn vị rượu, tương đương với khoảng 120 ml rượu vang, 300ml bia, hoặc 30ml rượu mạnh.
Về việc phân chia bữa ăn
Việc đảm bảo một bữa ăn đủ dinh dưỡng mà không làm tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn là một vấn đề khó cân bằng. Vì vậy, người bệnh có thể chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày hoặc bổ sung thêm các bữa phụ để bổ sung thêm dinh dưỡng. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết vào cuối buổi chiều hoặc nửa đêm, người bệnh có thể thêm bữa phụ vào khoảng thời gian cuối buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ với những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Để đảm bảo tốt chất lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể, bên cạnh tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, người bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ cũng có thể tham khảo thêm các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt như Glucare Gold nhằm hỗ kiểm soát đường huyết đồng thời tăng cường sức khỏe.
Glucare Gold sở hữu hệ bột đường Glucare (Isomalt, Maltitol, Palatinose) hấp thu chậm cùng Crôm nhập khẩu từ Hoa Kỳ giúp cân bằng đường huyết cho người bệnh tiểu đường mỗi ngày. Đặc biệt, sản phẩm đã được kiểm chứng lâm sàng có chỉ số đường huyết GI thấp, an toàn cho sức khỏe người tiểu đường. Sản phẩm dinh dưỡng Glucare Gold chứa 38 dưỡng chất thiết yếu như Đạm chất lượng cao, Omega 3, Omega 6, Vitamin và khoáng chất hỗ trợ tăng cường sức khỏe mỗi ngày. Sản phẩm phù hợp cho người tiểu đường, và cả người có nguy cơ mắc tiểu đường. Với 2 ly sáng và tối, Glucare Gold giúp đường huyết cân bằng, tăng cường sức khỏe mỗi ngày cho người bệnh.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị ĐTĐ với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng về số lượng và chất lượng để có thể kiểm soát đường huyết, duy trì cân nặng lý tưởng và ngăn ngừa diễn biến và biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần quan tâm đến thực đơn ăn uống hàng ngày, đồng thời chú ý đến lượng chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể, đảm bảo tiếp nạp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, hạn chế tối đa biến chứng lâu dài.
Tài liệu tham khảo:
|